Điểm tựa của người yếu thế

12/11/2023 22:29 500

Antony TNPLS

Với tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, đầy tình yêu thương và là điểm tựa cho những cảnh đời yếu thế ở địa phương.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long trao tiền hỗ trợ gia đình ông Hồ Văn Ngại ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long trao tiền hỗ trợ gia đình ông Hồ Văn Ngại ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Hằng ở xã Hòa Phú, huyện Long Hồ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi cùng lúc cả hai con mắc bệnh hiểm nghèo. Chân tay dần bị co rút ở tuổi lên năm, cả hai cháu đều phải bỏ học giữa chừng. Anh chị lúc nào cũng vất vả, ai thuê gì làm nấy mong có tiền chữa bệnh cho con. Gia đình phải bán hết đất đai, tài sản để đi khắp nơi điều trị nhưng bệnh tình của hai cháu vẫn không thuyên giảm.

Chị Trần Thị Hằng chia sẻ: “Hai con mắc bệnh, tôi còn bị tai nạn giao thông gãy xương hông vừa mới bình phục. Nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long giúp đỡ xây nhà và các nhà hảo tâm hỗ trợ một số vốn để nuôi con, tôi biết ơn lắm”.

Còn ông Hồ Văn Ngại ở huyện Tam Bình cho hay: “Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ tôi đi bộ đội, có lần đơn vị tôi bị “dính” chất độc da cam từ máy bay của kẻ thù rải xuống. Sau này đi khám bệnh mới phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. Tôi được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Nay, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò nuôi cải thiện kinh tế gia đình”…

Thành lập từ năm 2001, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long đã giúp hàng nghìn trẻ em được hỗ trợ mổ tim miễn phí; xây dựng hàng trăm căn nhà và trao hàng vạn suất học bổng làm “nền móng” giúp các em nhỏ có cơ hội tiếp tục học tập, vươn lên trong cuộc sống. Không dừng ở đó, Hội còn giúp nguồn vốn để những người khuyết tật có thêm sinh kế.

Hiện, hầu hết cán bộ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long là cán bộ hưu trí nhưng luôn cố gắng, tích cực đóng góp cho xã hội. Cảm thông, thấu hiểu những vất vả, khó khăn mà nhiều gia đình đang gặp phải, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tích cực vận động mọi nguồn lực trợ giúp cho người yếu thế. Từ sự giúp sức ấy, nhiều người đã vượt qua khó khăn, có cuộc sống tốt hơn.

Ở tuổi 91, ông Ngô Ngọc Bỉnh (tên thường gọi là bác Sáu Kỳ) là Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long vẫn luôn hết mình với công việc. Hơn 10 năm đương nhiệm, ông Bỉnh cùng tổ chức Hội trong tỉnh vận động được gần 500 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 1.000 trường hợp mổ tim; điều trị và phẫu thuật 378 trường hợp phụ nữ nghèo mắc bệnh phụ khoa; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho hơn 14 nghìn ca; hỗ trợ xây 2.404 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và 451 hệ thống nước sạch cho người khuyết tật nặng… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác thiện nguyện, ngày 13/11/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Ngô Ngọc Bỉnh.

Bà Trần Ngọc Truyền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hội được thành lập từ năm 2002 với tên gọi là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó, ghép một số hội khác vào chung nên có tên gọi như ngày nay. Nhờ sự chung tay của tất cả các thành viên và cả hệ thống hội, nhiều khó khăn trong hoạt động dần dần được tháo gỡ. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, tất cả làm việc hết mình, không nề hà gian khó, hiểm nguy, chăm lo cho rất nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phan Hồng Hạnh cho biết, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long là những người tiêu biểu thực hiện phương châm tuổi cao gương sáng, sống mẫu mực.

Các cô, chú đã cống hiến hết mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sau khi nghỉ hưu, các cô, chú vẫn tiếp tục cống hiến sức mình, tiếp tục tham gia những công việc rất có ý nghĩa cho xã hội, nhất là việc chăm lo cho người khuyết tật, yếu thế và khó khăn trong xã hội. Sở cũng đã nhiều lần phối hợp tổ chức vinh danh, ghi nhận sự đóng góp của các cô, chú, qua đó, động viên, khen thưởng kịp thời để các cô, chú có nhiều niềm vui hơn và là động lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới...

BÀI, ẢNH: BÁ DŨNG VÀ NGỌC HÂN

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2