(ĐCSVN) - Nhiều năm nay, cứ đến dịp cuối năm là hàng loạt tuyến đường, vỉa hè, dải phân cách ở Thủ đô lại được đào xới sửa chữa, ngổn ngang. “Căn bệnh kinh niên” này không chỉ gây ảnh hưởng, cản trở lớn đến giao thông mà còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ảnh minh họa |
Những ngày cuối năm 2023, nhiều tuyến đường, vỉa hè ở Hà Nội lại trong tình trạng bị đào xới, lát vỉa hè, ngổn ngang như "công trường". Điều này đã trở thành “điệp khúc” lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua. Dù năm nào báo chí cũng lên tiếng về tình trạng này nhưng dường như với các đơn vị thực hiện, việc đào đường cuối năm chưa hề có sự thay đổi, không chỉ diễn ra tại các tuyến phố trung tâm mà còn "bùng phát" ở ngõ phố trong các khu dân cư.
Cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc đường phố cần diện mạo khang trang để đón Tết, vì thế “điệp khúc” đào đường cuối năm thường gây phản cảm.Tại các kỳ tiếp xúc cử tri của Nhân dân với các đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố Hà Nội, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc và đã đưa ra câu hỏi: Vì sao trong năm "ngày rộng tháng dài" không triển khai xây dựng mà lại cứ đúng dịp cuối năm mới làm? Vậy, đây có phải là việc “bất khả kháng” không thể không làm? Và làm thế nào để chấm dứt “căn bệnh kinh niên” này?
Lý giải tình trạng đào đường vào dịp cuối năm, ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ tịch phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội trao đổi: Nhìn chung, một dự án từ lúc có ý kiến đề xuất đến khi được phê duyệt trải qua nhiều công đoạn và phải đúng quy trình tốn thời gian. Thường đến tháng 10, chậm hơn là tháng 12 hằng năm, dự án mới được thi công.
Một cán bộ UBND quận Thanh Xuân cũng cho biết, để phê duyệt chủ trương đầu tư thì trước đó, dự án phải được HĐND thông qua, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn. Tiếp đó, UBND quận lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến của rất nhiều sở, như: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; sau đó mới trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, "điệp khúc" sửa đường, vỉa hè cuối năm được dư luận, người dân phản ảnh nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn, khó có thể bố trí ngân sách đầu năm. Đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu... Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới bắt đầu thi công, đào đường.
Một số chuyên gia cũng phân tích rằng, cuối năm đường xá “vào mùa” đào bới là do các địa phương “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân. Hoạt động này thường không được ưu tiên kinh phí vào dịp đầu và giữa năm mà khi đến cuối năm, các địa phương còn kinh phí mới thực hiện giải ngân vào các công trình này. Do đó, các hoạt động này phụ thuộc vào tình hình thu chi ngân sách và kế hoạch đầu tư của địa phương.
Dại diện Ban Duy tu thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội cho biết, lý do liên quan việc phê duyệt chủ trương, kế hoạch của các đơn vị cấp trên. Đơn vị cũng muốn thực hiện từ sớm nhưng do kế hoạch duy tu, sửa chữa hằng năm, hằng quý gửi lên cấp trên, đến quý III, quý IV mới được duyệt dẫn đến việc duy tu, sửa chữa bị chậm, tấp cập.
Ngày 27/12/2023, tại cuộc giao ban với các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, ông rất "sốt ruột" về vấn đề này, bởi tình trạng chỉnh trang vườn hoa, vỉa hè, sửa đường… năm nào người dân và báo chí cũng phản ánh. Năm nào cũng vậy, đầu năm lập kế hoạch, cuối năm mới thực hiện.
Do đó, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội cho rằng quy trình thủ tục về vấn đề này phải được thực hiện sớm, làm sao để khoảng giữa năm là thi công ngay nhằm bảo đảm chất lượng, mỹ quan đô thị, văn minh, lịch sự. "Dừng cấp phép đào vỉa hè, lòng đường và dừng thi công từ ngày 16/1/2024 (tức mùng 6 tháng chạp) đến hết Tết Giáp Thìn 2024" - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Có thể nói, mỗi khi Tết đến, Xuân về, Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung rất cần được chỉnh trang để đón một mùa Xuân mới tươi đẹp hơn. Việc duy tu, sửa chữa hè đường thực tế là việc cần làm vì diện mạo đô thị và lợi ích chung. Vấn đề chỉ là cách thực thi của các đơn vị quản lý, thi công công trình chưa thực sự phù hợp.
Do đó, đã đến lúc cơ quan quản lý giao thông phải có những điều chỉnh kịp thời, quyết tâm giảm bớt tình trạng lô cốt, hầm hào gây cản trở đi lại dịp giáp Tết. Các đơn vị liên quan cần chủ động, có kế hoạch phân bổ hợp lý các hạng mục tu sửa thì chắc chắn “điệp khúc” đào đường cuối năm có thể được làm giảm tông, thậm chí chấm dứt nhằm bớt gây phiền hà cho người dân một cách hài hòa, hợp lý. Và trong quá trình đó, phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết dừng thi công, yêu cầu trả lại hè đường với những công trình chậm trễ.../.
Thu Hà