Công sở bỏ hoang và trách nhiệm người đứng đầu

13/11/2023 20:58 515

KHÁNH NGÂN TNPL

(ĐCSVN) - Tình trạng các công trình, trụ sở không sử dụng, bị bỏ hoang gây lãng phí khiến nhiều người xót xa, bức xúc, tuy nhiên, việc xử lý không dễ dàng. Vấn đề này một lần nữa lại tiếp tục “nóng” tại diễn đàn Quốc hội với mong muốn làm rõ và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tòa nhà Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũ bị bỏ hoang. (Ảnh: Báo Thanh niên) 

Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra liên quan đến việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở còn bỏ trống gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra những con số “biết nói”: Còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công bỏ không, tạo nên sự lãng phí.

Vẫn biết các trụ sở làm việc bị bỏ hoang là vấn đề không mới, thậm chí đã cũ nhưng vẫn luôn “nóng” mỗi lần đề cập đến bởi nó là sự lãng phí không hề nhỏ.

Mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt Nghị quyết về vấn đề này và năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Mới đây nhất, ngày 29/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 771/CĐ-TTg về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có trụ sở tại địa phương thực hiện sắp xếp lại nhưng nay không có nhu cầu sử dụng cần chuyển giao các trụ sở, nhà đất cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để sắp xếp, quản lý, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Bộ Tài chính sửa đổi, xây dựng quy định liên quan để tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Hướng dẫn xử lý tài sản, trụ sở làm việc tại các đơn vị hành chính, đảm bảo đúng quy định, thủ tục đơn giản, tránh thất thoát, lãng phí, để trụ sở hư hỏng.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương. Các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã, huyện để giảm số lượng đơn vị hành chính, tuy nhiên, việc xử lý tài sản công sau sắp xếp lại chậm, dẫn đến hàng loạt trụ sở cơ quan lại bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn, trong đó có nhiều khu nhà vốn là trụ sở làm việc. Thậm chí có cả những trụ sở vừa mới xây xong hoặc sắp xây xong với kinh phí hàng tỷ đến cả trăm tỷ đồng nhưng lại để không, dãi dầu mưa nắng.

Vẫn biết, khi các đơn vị hành chính sáp nhập, sẽ có những nơi dôi dư, bỏ trống, chưa sử dụng. Về nguyên tắc, các xã, huyện nhập lại thì trụ sở của cơ quan được sáp nhập phải sử dụng sao cho hiệu quả; nếu không sử dụng thì phải đề xuất hóa giá, bán cho dân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, nhất thiết không để trống, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Tuy vậy, tình trạng trụ sở cũ bỏ trống còn khá lớn như nêu trên. Trong đó có những trụ sở bỏ không cả chục năm sau khi sáp nhập, di dời, thậm chí còn cho thuê dịch vụ rồi lấy tiền nộp vào quỹ công đoàn chứ không nộp vào ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân dẫn tới hàng loạt trụ sở cũ "đắp chiếu" nhiều năm thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Đó là những khó khăn đến từ thủ tục, cách thức để chuyển đổi đến cả một số địa phương “ngần ngại” trong thanh lý, bán đấu giá trụ sở do tư tưởng đùn đẩy, né tránh và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... Và có cả sự thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền.

Thực trạng này khiến người dân cảm thấy bức xúc về sự lãng phí, ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển và còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm; lạm dụng chính sách trong quản lý, sử dụng tài sản công. Bởi thực tế đã có không ít vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà đất, công sản bị xử lý trong thời gian vừa qua.

Vậy làm thế nào để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất công của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp để tránh sự lãng phí? Trả lời câu hỏi này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét từng trường hợp, nơi nào còn sử dụng được thì bố trí cho đơn vị khác sử dụng, nếu cho thuê thì tiền thu được phải chuyển vào ngân sách chứ không thể nộp vào quỹ công đoàn. Trường hợp không thể sử dụng được nữa thì phải tiến hành quy hoạch, tổ chức đấu giá tài sản; tùy theo quy hoạch đã phê duyệt mà giao cho bên mua sử dụng vào các mục đích phù hợp như phát triển kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc công trình công cộng.

Có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra thực tế, xác minh tình trạng pháp lý từng tài sản, để xem lý do mà địa phương đưa ra có trung thực, chính đáng hay không? Trường hợp lý do chỉ để biện minh cho sự chậm trễ, chây ì thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có hình thức xử lý kỷ luật, kể cả đương chức hay đã về hưu. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Trả lời các đại biểu Quốc hội, người đứng đầu ngành Tài chính đã thông tin, giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, bảo đảm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả...

Có thể nói, các giải pháp nêu trên không phải là mới. Để các giải pháp đó đi vào cuộc sống thì các cơ quan liên quan cần làm rốt ráo, quyết liệt, chỉ rõ vai trò của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm trễ trong xử lý tài sản công. Đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu thực hiện để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cá nhân.../.

Trung Anh

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2