HÀ LÊ
(ĐCSVN) - Sau vụ cháy tại chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, nhận thức, tính chủ động của nhiều chủ chung cư mini và người dân đã có nhiều thay đổi tích cực. Song theo các chuyên gia, về lâu dài, cần có những thay đổi trong quản lý việc xây dựng, khai thác các chung cư mini từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Qua đó, tránh tái diễn những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, bảo đảm an toàn, chống cháy nổ cho các chung cư mini tại nhiều đô thị lớn hiện nay. Điều quan trọng nhất là cần chấm dứt tình trạng "phạt cho tồn tại"
Vụ cháy tại chung cư mini ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã làm 56 người chết, 37 người bị thương. Đây được coi là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ghi nhận thực tế cho thấy, sau vụ cháy ở quận Thanh Xuân, nhiều chung cư mini tại Hà Nội đã nhanh chóng được bổ sung một số giải pháp thoát nạn như lắp thêm thang thoát hiểm. Một số hộ dân cũng chủ động cắt bỏ hệ thống khung sắt, “chuồng cọp” để mở lối thoát hiểm phòng khi có hỏa hoạn xảy ra. Dù chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, song dư luận cho rằng, đây là sự thay đổi tích cực, thể hiện tính chủ động của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với cháy nổ để đảm bảo an toàn.
Chị Lê Thu Hà, người dân sống trong một chung cư mini tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Các gia đình trong chung cư rất đồng tình khi chủ đầu tư chung cư thuê người về lắp thêm hệ thống thang thoát hiểm lộ thiên bên ngoài khu nhà. Việc làm này giúp mọi người yên tâm hơn nếu không may có sự cố hỏa hoạn xảy ra”.
Một chung cư mini mới được lắp đặt thang thoát hiểm cố định. (Ảnh: Hoài Nam). |
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng khuyến cáo, việc lắp thêm thang thoát hiểm cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tại những chung cư mini đã xây lâu năm hoặc thiết kế ban đầu không tuân theo quy chuẩn, lắp thang thoát hiểm có thể xâm lấn vào chỉ giới hoặc không gian công cộng. Trường hợp này, cơ quan quản lý trật tự xây dựng địa phương cần linh hoạt, cho phép gắn thang thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho cư dân. Bởi khi có hỏa hoạn, trong tình huống nguy cấp, không phải ai cũng đủ thể lực và tâm lý bình tĩnh để leo xuống theo đường thang này, nhất là với người già, trẻ nhỏ, người sinh sống ở các căn hộ tầng cao.
Thực tế, rất nhiều chung cư mini hiện nay ngay từ đầu đã không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc gắn thang sắt vịn tay bên ngoài tòa nhà cũng là giải pháp có tính hiệu quả. Song, việc gắn thang sắt cố định nhô ra bên ngoài toà nhà có thể không đảm bảo về chỉ giới, ảnh hưởng về không gian, kiến trúc… Vì vậy cần phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn.
Cùng với việc lắp thêm thang thoát hiểm, cần tăng cường quản lý việc xây dựng, khai thác các chung cư mini ở các đô thị lớn. (Ảnh: Hoài Nam). |
Kết quả thống kê bước đầu cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện đang tồn tại hàng nghìn chung cư mini với số cư dân lên đến hàng chục vạn người. Điển hình như tại quân Đống Đa, theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, toàn quận hiện có tổng số 1.946 cơ sở chung cư mini, trong đó có 1.881 cơ sở kinh doanh cho thuê trọ với 9.170 hộ đang thuê trọ và 65 (chung cư mini) với 1.768 hộ dân đang sinh sống. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các cơ sở này không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình xung quanh và hầu hết các cơ sở chỉ có 1 lối thoát nạn mỗi tầng, thiếu thang bộ thoát nạn, chưa có các giải pháp ngăn cháy phù hợp. Do đó, việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với cháy nổ để đảm bảo an toàn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Cùng với việc lắp thêm thang thoát hiểm, người dân ở các chung cư mini cần tăng cường trang bị thêm công cụ phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn như: bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc, thang dây,…
Về lâu dài, cần thay đổi và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong quản lý việc xây dựng, khai thác các chung cư mini hiện nay. Khách quan nhìn nhận, chung cư mini ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, nhất là đối tượng sinh viên, người lao động, các đôi vợ chồng trẻ,… Song công tác quản lý việc xây dựng, khai thác loại hình chung cư mini thời gian qua còn nhiều bất cập. Nhiều chủ đầu tư lợi dụng việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để xây dựng sai phép và chuyển nhượng cho những người có nhu cầu mua các căn hộ mini. Vì vậy, cần siết chặt quy định từ cấp phép cho đến kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương. Để đủ điều kiện xây dựng chung cư phải căn cứ vào các quy định liên quan, quy hoạch xây dựng…, nếu khu vực đó đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai so với giấy phép; chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại”;…
PGS, TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ảnh: Tâm Anh). |
Theo PGS, TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), phải sát sao ngay từ khâu quy hoạch, cấp phép. Nếu đã cấm là phải cấm từ đầu. An toàn chịu lực và phòng cháy chữa cháy phải tuân thủ ngay từ đầu. Bởi nếu để cả tòa nhà đi vào vận hành rồi mới yêu cầu bổ sung, bắt khắc phục thì sẽ rất khó để khắc phục các sai phạm, tồn tại.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quá trình xây dựng những công trình, nhà ở không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiên quyết trong công tác xử lý, khắc phục sai phạm.
Trở lại với chung cư mini bị cháy tại quận Thanh Xuân hôm 13/9 vừa qua, Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ do UBND quận Thanh Xuân cấp đối với công trình này được xây 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; mật độ xây dựng là 70%. Song thực tế tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, mật độ xây dựng là 100% với 10 tầng trong đó có 1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum.
Theo khẳng định của nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Đặng Hồng Thái, (là người ký quyết định cấp phép cho công trình này), chủ đầu tư đã xây dựng sai phép, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản xử phạt, cưỡng chế từ năm 2015. Vấn đề đặt ra là vì sao đã có văn bản xử phạt, cưỡng chế từ năm 2015 nhưng công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị cưỡng chế phần sai phạm? Liệu có tình trạng các cấp chính quyền từ UBND phường, quận ra quyết định xử phạt nhưng lại là “phạt cho tồn tại”, hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư?
Thẳng thắn nhìn nhận, việc “phạt cho tồn tại”, cưỡng chế "trên văn bản” từ lâu đã là tình trạng chung của không ít địa phương. Theo đó, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, nhiều cá nhân đã xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Các công trình kiểu này là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy… Nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng; kiểm tra, xác nhận bảo đảm phòng cháy chữa cháy thì sẽ tránh được những bất cập nêu trên.
Do đó, các cấp chính quyền cơ sở cần thực hiện nghiêm quy định về việc cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra việc thực hiện giấy phép; kiên quyết xử lý những công trình xây dựng sai phạm như xây vượt tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật... Trường hợp xây dựng sai phép, cần thực hiện cưỡng chế bảo đảm đúng theo nội dung giấy phép xây dựng; kiên quyết không để tái diễn tình trạng “phạt cho tồn tại”, hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư.
Đồng thời, cần xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, để phát sinh và không xử lý triệt để các công trình xây dựng trái phép, sai phép, vượt phép trên địa bàn. Trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng do các vi phạm nói trên, có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự những cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý.
Cùng với đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, người dân đang sinh sống trong các khu chung cư cao tầng, nhất là các chung cư mini cũng cần thay đổi nhận thức, chủ động tìm hiểu và tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong tình huống xảy ra hỏa hoạn. Người dân cần tìm hiểu về hệ thống báo cháy, lối thoát nạn, hướng dẫn kỹ thuật của các tòa nhà cao tầng, nơi mình sinh sống. Vì ngay cả trong trường hợp tòa nhà có lối thoát nạn an toàn nhưng nếu người sinh sống tại đó không tìm hiểu trước thì khi xảy ra sự cố cũng không biết lối thoát thân, nhất là trong bối cảnh tâm lý hoảng loạn. Hay như trang, thiết bị chữa cháy có đủ nhưng cũng sẽ khó có thể được phát huy nếu người dân thiếu kỹ năng sử dụng./.
TL