Chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024

01/09/2023 15:38 326

Sẵn sàng năm học mới

KHÁNH NGÂN

(ĐCSVN)- Để chuẩn bị tốt năm học mới 2023 – 2024, nhiều địa phương đã chú trọng sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; ưu tiên các hạng mục công trình, như: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu...

Nhiều trường học trên cả nước huy động cán bộ giáo viên dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài lớp học sẵn sàng đón học sinh tựu trường. Ảnh minh họa: TL 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, tỉnh đã đầu tư gần 800 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp trường lớp, đồ dùng và thiết bị dạy học cho các đơn vị trên địa bàn.

Ngoài các công trình đưa vào sử dụng, còn có gần 600 phòng chức năng, công trình phụ trợ (phòng học, thư viện, bếp ăn, sân, nhà xe…) cũng đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã hoàn thành tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các đơn vị; lựa chọn sách giáo khoa cho các khối lớp… Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024. Cụ thể, khối lớp 1 đạt 97,87% (25.800/26.359 học sinh), khối lớp 6 đạt 99,76% (28.755/28.822 học sinh), khối lớp 10 đạt 99% (17.905/18.073 học sinh).

Tổng kinh phí đầu tư phục vụ năm học 2023-2024 của tỉnh Khánh Hòa ước tính hơn 701 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hơn 675 tỷ đồng, còn lại là mua sắm trang thiết bị dạy học.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã rà soát tình hình giáo viên, để tổ chức thuyên chuyển giáo viên giữa các cơ sở giáo dục, giảm thiểu tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ theo môn, theo địa bàn. Sở tiếp tục phân công một số giáo viên dạy liên trường để đảm bảo định mức giờ dạy, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hợp đồng giáo viên.

Đối với hai huyện hai miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, trước thềm năm học mới việc thiếu giáo viên đã được các đơn vị chủ động hợp đồng giáo viên.

Nhiều địa phương đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục. Ảnh minh họa: ĐT

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng cường nền nếp kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và phát triển phẩm chất, năng lực người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, phòng chống bạo hành, tai nạn thương tích ở trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên,...

Năm học 2023 - 2024, ngoài việc tiếp tục miễn 100% học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non 3, 4 tuổi; học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên. Mức hỗ trợ này cho các đối tượng trong và ngoài công lập, áp dụng hỗ trợ theo số tháng học tập thực tế tại cơ sở giáo dục theo quy định, tối đa không quá 9 tháng.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 470 trường học và 262 nhóm trẻ tư thục. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS năm học 2023-2024 gần 190 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ 3, 4 tuổi, học sinh THPT và học viên tại các Trung tâm GDTX năm học 2023 - 2024 là hơn 137 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ học phí học sinh năm 2023 - 2024 trên toàn tỉnh gần 327 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học).

Ngoài ra, toàn tỉnh Tiền Giang thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng. Công tác quan trọng tiếp theo là ngành sẽ tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Năm học 2023-2024, phương hướng đặt ra với giáo dục mầm non tỉnh Đắk Nông là phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, khu vực có nhiều dân di cư tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất. Duy trì ổn định tỷ lệ trẻ tới trường, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở những nơi có điều kiện. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đối với giáo dục phổ thông là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giáo dục dân tộc trong năm học mới sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục dân tộc, đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh. Thực hiện hiệu quả công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

 Các địa phường đều sẵn sàng cho năm học mới 2023-2024. Ảnh: TL

Trước thềm năm học mới, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều đã hoàn tất các công việc cuối cùng, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học 2023-2024. Nhiều công trình trường học đã được xây mới, tu sửa ngay trong hè, kịp thời khánh thành để thầy và trò các nhà trường có đủ điều kiện dạy và học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, xuống cấp.

Bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 8/6/2023 về việc phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng viên chức giáo dục và điều chuyển, biệt phái giáo viên năm học 2023-2024. Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tham mưu địa phương tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý; tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên các lớp đầu cấp và giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm học 2023-2024; xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Lai Châu dự kiến có 337 trường học với 5.424 lớp và 151.417 học sinh. Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là học sinh thuộc các xã khu vực III và khu vực II chuyển sang khu vực I, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng đảm bảo số lượng giáo viên thiếu, đặc biệt giáo viên Tiếng Anh, Tin học và các môn học mới; đẩy nhanh tiến độ, sửa chữa, khởi công xây dựng các công trình để kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng cho năm học mới; mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị phòng học Tin học, Ngoại ngữ, trang bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ mầm non.

Năm học 2023-2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục Thái Bình tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động về phát triển giáo dục và đào tạo; tổ chức rà soát, tham mưu về kế hoạch sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời tăng cường đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 và chương trình GDPT 2006 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12./.

PV

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2