Lạ kỳ, một số người đang tỉnh táo, tư duy mạch lạc lại thích được kết luận sức khỏe tâm thần của mình "có vấn đề". Đương nhiên, phải khẳng định, những người chịu trách nhiệm trong quy trình ký tên vào tờ kết luận đó cũng chẳng bình thường chút nào.
Từ lúc nào, “bệnh án tâm thần” đã trở thành lá bùa hộ mệnh của một số đối tượng phạm tội.
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ… để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Hoạt động này được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự...
Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Vũ Hội) |
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho thấy nhiều bị can, bị cáo lấy lý do có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, từ đó yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định tâm thần. Một số đối tượng đã lợi dụng "bệnh án tâm thần" để trốn tránh, tạo tình tiết giảm nhẹ tội, thậm chí tội chồng tội. Đơn cử, ngày 30/8/2022, Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) cầm đầu đường dây "chợ" ma túy, mở phòng "bay lắc" ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I suốt thời gian dài đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt mức án tổng hợp là tử hình với 3 tội danh "mua bán trái phép chất ma túy", "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", "tàng trữ trái phép chất ma túy".
Theo cáo trạng, Nguyễn Xuân Quý tự nhận mình là người bình thường, không bị tâm thần. Việc thừa nhận giả tâm thần là để trốn tránh việc chấp hành bản án của TAND huyện Thanh Trì. Tháng 11/2018, bằng cách nào đó, Quý được xác định là đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Tại đây, Quý lợi dụng sơ hở của cơ sở y tế để tổ chức nhiều cuộc bay lắc có sự tham gia của một số cán bộ bệnh viện. Ngoài ra, đối tượng còn mua ma túy từ bên ngoài rồi cất giấu, mua bán hàng cấm ngay tại bệnh viện.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C02, Bộ Công an) vừa bắt giữ 15 người trong vụ án xảy ra tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trong Thư khen gửi C02 đánh giá đây là chiến công xuất sắc, từng bước giải quyết vấn đề nhạy cảm, bức xúc hiện nay, đồng thời thể hiện bản lĩnh nghiệp vụ, sự kiên trì, bền bỉ, nhận diện phương thức, thủ đoạn lợi dụng chính sách pháp luật trong công tác lập hồ sơ bệnh án tâm thần, kết luận giám định tâm thần; góp phần ngăn ngừa, làm rõ bản chất tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm...
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, trong văn bản gửi Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương; Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hoà; Trung tâm Pháp y Tâm thần các khu vực, Thanh tra Bộ Y tế…, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh phải được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng; đánh giá đúng tình trạng bệnh của đối tượng giám định, không để xảy ra các hành vi tiêu cực.
Đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định của Luật Giám định tư pháp và Thông tư 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế "Ban hành Quy trình giám định pháp y tâm thần và Biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần"; Thông tư 11/2022/TT-BYT ngày 01/11/2022 của Bộ Y tế "Quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần"; Quyết định 5092/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế "Ban hành quy chế kiểm tra và bảng điểm đánh giá công tác giám định pháp y tâm thần, công tác tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh".
Trên nền tảng trình độ chuyên môn, quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật máy móc hiện đại và hơn hết là với con mắt tinh tường cũng như trách nhiệm xã hội của người làm công tác giám định pháp y tâm thần, có thể nói sau thời gian tối đa 6 tuần/đối tượng giám định, xác suất mắc sai lầm trong tờ kết luận ai đó có bị tâm thần hay không là rất ít.
Trong bối cảnh chuyên ngành sức khỏe tâm thần, điều trị bắt buộc còn khó thu hút nhân lực do tính chất phức tạp, nguy hiểm, vất vả; nguồn lực đầu tư còn hạn chế..., việc xem xét, xử lý đối với các cá nhân phạm tội nêu trên vừa phải bảo đảm đúng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm vừa phải tính tới sự ổn định, duy trì hoạt động bình thường của cơ sở y tế, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.
Căn bệnh "thích bị tâm thần" cần sớm có liều thuốc tổng hợp đủ để điều trị tận gốc/.
Anh Tuấn