Chặn đứng nạn “chống lưng”!

04/12/2023 19:45 592

Antony

(ĐCSVN) - Một điều dù rất đau xót mà vẫn phải thừa nhận, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực dường như đang thăng tiến một cách bất thường và các quy trình được thực hiện cho dù là có đủ thủ tục theo quy định thì dư luận hoài nghi còn có những người “chống lưng”

Gần đây, dư luận đang dậy sóng về một loạt vụ việc sai phạm của các cán bộ lãnh đạo một số tỉnh, trong đó có ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh sử dụng bằng giả để thăng tiến.

Đây là một biểu hiện thấp kém về phẩm chất đạo đức, vụ lợi, luồn sâu leo cao trong hàng ngũ Đảng và bộ máy nhà nước. 

Ảnh minh họa, nguồn: baothuathienhue.vn 

Được biết những người “chống lưng” thường là lạm quyền, biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức. Bức xúc sẽ lên cao khi các vi phạm được bao che gây ra bất công xã hội. Ngoài công tác cán bộ, những người “chống lưng” còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, hành xử vô nguyên tắc lại được bỏ qua hoặc không bị xử lý kịp thời, làm nguồn cơn tái diễn các hình thức vi phạm. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, dẹp bỏ để củng cố tinh thần thượng tôn pháp luật. Có những người “chống lưng” dựa vào ô dù các quan hệ thân quen, cậy thế cậy quyền, xem thường pháp luật. Trong một số trường hợp vi phạm pháp luật, hành xử vô nguyên tắc không bị xử lý thì nhiều người thường đặt câu hỏi “liệu ai đã chống lưng cho những vụ việc đó”.

Cùng với vụ việc sử dụng bằng giả của Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đã xử lý kỷ luật một loạt cán bộ tại một số sở ngành, huyện, thị do dùng bằng cấp không hợp pháp, những đối tượng này hiện đã cho nghỉ việc, thôi chức nhưng dư luận còn “băn khoăn” và dư âm còn mãi. Bắc Ninh cũng đã xử lý một loạt cán bộ lãnh đạo có sai phạm trong thực thi công vụ là nguyên Giám đốc Sở TN&MT, nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội. Những cán bộ này đã vi phạm pháp luật, vi phạm những điều Đảng viên không được làm, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao suốt một thời gian dài như thế, chỉ đến khi một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không phải người địa phương được luân chuyển về trực tiếp chỉ đạo làm rõ thì vụ việc mới được phanh phui. Tất nhiên ông Thắng sẽ phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng theo quy định của Đảng, nhưng dư luận mong muốn cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người “chống lưng”, thậm chí tiếp tay cho những sai phạm để làm gương cho các quan chức khác không muốn và không dám thực hiện những hành vi tương tự.  

Bức xúc xã hội sẽ càng lên cao khi mà các vi phạm được bao che, xảy ra hậu quả nghiêm trọng và mất công bằng trong đời sống. Bên cạnh sự thiệt hại về nhân sự của Đảng còn là sự, giảm sút trầm trọng niềm tin của người dân đối với chính quyền. Đáng chú ý là không ít cán bộ, người được giao quyền lực để thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng lại lợi dụng trục lợi cho cá nhân và người thân, lợi ích nhóm, xem như chuyện bình thường. Những người “chống lưng” có khi là một người có chức quyền, hoặc một nhóm người cùng chung lợi ích, có các mối quan hệ thân quen có thể can thiệp... Những người “chống lưng” thường là lạm quyền, biểu hiện sự xuống cấp về đạo đức. Một khi họ đã quen với cách sống, hành xử như thế thì khó trông mong vào ý thức tự giác “chỉnh đốn” bản thân để tự sửa sai, thực hiện tốt chức trách đang đảm nhận.

Thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, hành xử sai nguyên tắc được xử lý theo quy định sau khi công luận lên tiếng phản ánh. Kiểm soát quyền lực là cơ sở ngăn chặn lạm quyền của “những thế lực chống lưng”. Kiểm soát quyền lực nhìn từ bên trong có cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm tra vẫn khó bao quát hết nhưng một khi có thêm sự giám sát từ bên ngoài là công luận và báo chí sẽ tạo sức ép lớn buộc những người nắm giữ quyền lực nếu làm sai và những người “chống lưng” phải sợ.

Nói cách khác, làm sao để người dân kịp thời biết được thông tin đầy đủ, chính xác và có quyền lực buộc các tổ chức và cá nhân quản lý cũng như thực hiện quy định pháp luật phải có trách nhiệm giải trình. Nếu các vi phạm xảy ra, người dân được quyền nên tiếng, góp ý trong việc xử lý có tiếp tục giao quyền lực đó hay lấy lại để giao cho người khác xứng đáng hơn.

Ở các tỉnh trước đây thường thấy một hiện tượng là hiếm khi có những bài báo phản ánh hoặc phanh phui những hiện tượng tiêu cực. Đôi khi, họa hoằn có một bài nào đó của một vài tờ báo mạng viết về sai phạm của ông A, bà Y, anh Z… thì “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Cánh báo chí và giới thạo tin đồn thổi về một vài nhân vật có tài chuyên gỡ bài các báo. Phải chăng họ phải có mối quan hệ như thế nào đó với những người “trên cả các Tổng Biên tập” của các báo thì mới làm được cái việc thần kỳ như vậy? Người viết bài này cũng đã từng bị gỡ bài nên rất mừng khi thấy vừa qua, các báo đồng loạt đăng tin những sai phạm của cán bộ mà không thấy “bị gỡ”.

“Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” cảnh báo các đối tượng “lệch chuẩn”, hành vi tiêu cực, những người “chống lưng” sẽ bị trừng trị một khi công luận đã lên tiếng. Công luận còn góp phần đẩy lùi suy thoái đạo đức, xây dựng đời sống xã hội, tôn vinh những giá trị chuẩn mực đúng đắn trong tổ chức thực thi pháp luật. Phản ánh hành vi của các phần tử xấu trong bộ máy hay những người “chống lưng” cần dựa vào dân, vào công luận và báo chí vì họ như tấm gương phản chiếu cả cái đẹp và cái xấu của xã hội. Người đứng đầu nếu tạo điều kiện cho báo chí công tâm soi rọi vào cơ quan, ngành mình sẽ giúp kịp thời phát hiện vi phạm và chỉnh đốn lại đội ngũ.

Kiểm soát quyền lực thông qua người dân, công luận, báo chí là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy cải cách phát triển, ngăn chặn nạn “chống lưng”, “bắt tay liên kết” giữa lạm dụng quyền lực với lợi ích nhóm để trục lợi bất chính, tham nhũng. Kiên quyết xử lý, dẹp bỏ những người “chống lưng”, công khai, minh bạch mức độ xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước để tổ chức Đảng các cấp thật sự TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH!

Tề Vân

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2