Mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ ra công văn thông báo về việc tạm thời chỉ tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe trong các trường hợp thật sự cần thiết và giãn thời gian cấp mới loại giấy tờ này từ các kỳ sát hạch đã tổ chức sau ngày 1/5.
(Ảnh minh họa) |
Lý do được nêu ra là, trước đây, phôi và mực in giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp phát. Từ cuối năm 2023, phôi vẫn do Bộ Giao thông vận tải cấp phát nhưng phần mực in sẽ do địa phương lựa chọn đơn vị cung cấp. Đầu năm 2024, quy định về đấu thầu mới có hiệu lực, việc mua sắm hàng hóa hơn 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu.
Hiện, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chưa phê duyệt ủy quyền và đang chờ Hội đồng nhân dân thành phố thông qua các nghị quyết để thực hiện. Vì lẽ đó, Sở Giao thông vận tải Cần Thơ vẫn chưa mua được mực in.
Mốc thời gian "có mực in", theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Cần Thơ là sau ngày 1/8. Điều đó đồng nghĩa với việc trong hai tháng tới, hàng nghìn người không được điều khiển xe ô-tô, xe gắn máy mặc dù đã đủ điều kiện cấp bằng, chỉ vì vấn đề... mực in.
Lý do nêu trên của Sở Giao thông vận tải Cần Thơ đưa ra không thuyết phục được nhiều người. Thậm chí, có người còn cho rằng đó là "chuyện thật như đùa", bởi Luật Đấu thầu mới đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, tức là đã hơn 5 tháng trôi qua.
Chẳng lẽ trong khoảng thời gian dài đó, các cơ quan chức năng Cần Thơ không có sự chuẩn bị, hoặc đã chuẩn bị nhưng hết sức chậm trễ? Tại sao các tỉnh, thành phố khác không bị thiếu mực in mà chỉ mỗi thành phố Cần Thơ thiếu?
Điều đáng bàn nữa, Sở Giao thông vận tải Cần Thơ ra thông báo nêu trên vào ngày 31/5, chỉ trước đúng một ngày Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về "sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái" chính thức có hiệu lực.
Thông tư số 05 quy định rõ: "Thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch và trả giấy phép lái xe sau khi người đạt kết quả kỳ sát hạch đã hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe".
Câu chuyện tấm bằng lái xe không đơn giản chỉ là việc chứng nhận đủ điều kiện điều khiển phương tiện để đi lại, mà với nhiều người, đó còn là công cụ chính để mưu sinh hằng ngày. Bị "treo bằng" lên đến nhiều tháng, đối với không ít người, sẽ là gánh nặng thật sự.
Một số người sống bằng nghề ngồi sau tay lái khi được hỏi đã không giấu nổi bức xúc, bởi giấy phép lái xe đối với họ là miếng cơm manh áo, không được cấp bằng lái để điều khiển phương tiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ và gia đình. Một câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Câu chuyện tấm bằng lái xe hôm nay khiến nhiều người liên tưởng đến sự việc diễn ra cách đây khoảng hơn một năm cũng tại Cần Thơ, khi Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố gặp vướng mắc về mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, trong đó có túi đựng máu.
Từ tháng 4/2023, chỉ vì một số vấn đề trong đấu thầu mua sắm mà Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, từ một đơn vị có lượng máu dồi dào, cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn khắp cả nước lại phải trông chờ lượng máu tiếp tế từ các trung tâm khác, dẫn đến thiếu nguồn máu điều trị cho bệnh nhân tại nhiều bệnh viện ở khu vực miền Tây Nam Bộ.
Theo thống kê, thành phố Cần Thơ hiện có 12 cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, trung bình mỗi tháng có hơn 2.000 trường hợp vượt qua kỳ thi sát hạch, cần được cấp mới giấy phép lái xe.
Hiện, mỗi ngày chỉ có khoảng 300 hồ sơ giấy phép lái xe các loại thuộc diện ưu tiên được đổi, cấp lại.
Nguyên nhân đã được làm rõ, còn cách giải quyết tạm thời thì vẫn chưa thấy đâu. Đã có nhiều giải pháp tình thế được đưa ra như liên kết với các địa phương khác để "mượn" mực in; cấp giấy phép lái xe tạm thời... Nhưng những giải pháp này cũng tiềm ẩn và phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là khi pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Cũng có ý kiến cho rằng, có thể tạo điều kiện cho những người đã vượt qua kỳ sát hạch, đổi bằng xác thực thông tin giấy phép lái xe trước trên ứng dụng VneID rồi cấp giấy tờ bản cứng sau.
Tất nhiên, các "gợi ý" nêu trên nếu thực hiện được cũng chỉ mang tính tạm thời. Vấn đề đặt ra là đằng sau những câu chuyện như "túi máu", "hộp mực", thành phố Cần Thơ cần rốt ráo hơn trong các vấn đề dân sinh. Không thể tiếp tục tái diễn câu chuyện "nước đến chân mới nhảy" và để người dân phải chờ đợi những điều không đáng có...
HOÀNG PHAN