Năm 2016, Việt Nam phải hứng chịu tới 10 cơn bão, gây lũ cục bộ ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Cậu học sinh Phạm Mạnh Ðình, khi đó mới học lớp 11 ở huyện Krông Bông (tỉnh Ðắk Lắk), nhìn những bãi rác thải hình thành sau lũ dồn ứ trước cửa nhà, quanh chợ, các cánh đồng... rất ô nhiễm, đã manh nha ý tưởng tìm cách biến rác thải nhựa thành những vật hữu ích cho cuộc sống.
Từ nhiều thí nghiệm, Phạm Mạnh Ðình (bên phải) cùng cộng sự nghiên cứu thành công gạch tái chế từ rác thải nhựa. |
Suy nghĩ "không tưởng" của cậu học sinh nhiều lần bị thầy cô, người thân khuyên từ bỏ vì rất khó khả thi, vậy mà đã đeo đuổi cùng Mạnh Ðình suốt 8 năm qua. Ðầu năm 2024, những mẻ gạch tái chế lần đầu được sản xuất hàng loạt, chính thức đưa công trình nghiên cứu "trên giấy" ra thực tiễn trong niềm vỡ òa của Phạm Mạnh Ðình và thầy của anh - PGS, TS Lê Anh Thắng.
Từ ý tưởng thành công trình nghiên cứu
Hành trình tìm cách tái chế rác thải đến với chàng trai Phạm Mạnh Ðình từ chỉ một ý tưởng bất chợt: "Mình sống trong một gia đình nghèo ở buôn Ngô A, xã Hòa Phương, huyện Krông Bông. Vùng núi này đến giờ vẫn chưa có điện lưới, bếp củi là phương tiện chiếu sáng thường xuyên mỗi tối. Túi nilon bỏ đi được dùng để nhen lửa, khi cháy dính chặt vào tro tạo thành một khối cứng. Mình cho rằng nó có thể dùng làm vật liệu gì đó hữu dụng", Mạnh Ðình kể.
Một lần hiếm hoi được xem chương trình thời sự trên ti-vi, cậu học sinh thấy có nơi người ta làm nhà bằng bao bố - một sản phẩm từ nhựa. Nhìn lại đám lửa cháy trong bếp củi, Ðình cho rằng khối cứng tạo ra từ hợp chất do túi nilon bị đốt cháy trộn với tro cũng có thể làm thành gạch xây dựng.
Một lần hiếm hoi được xem chương trình thời sự trên ti-vi, cậu học sinh thấy có nơi người ta làm nhà bằng bao bố - một sản phẩm từ nhựa. Nhìn lại đám lửa cháy trong bếp củi, Ðình cho rằng khối cứng tạo ra từ hợp chất do túi nilon bị đốt cháy trộn với tro cũng có thể làm thành gạch xây dựng.
Cậu lặn lội lên huyện để mượn chiếc máy tính của đứa em họ, tìm kiếm những thông tin nhỏ giọt trên internet để củng cố ý tưởng của mình, sau đó trình bày với các thầy, cô ở trường cấp 3. "Câu trả lời là không thể. Các thầy, cô lúc đó coi điều này là viển vông, không đủ kiến thức để chứng minh những lý thuyết này. Ý tưởng của mình bị bác", Mạnh Ðình chia sẻ.
Mục đích của Ðình là xin phép để được tiếp tục nghiên cứu, đưa ý tưởng này vào một công trình khoa học dự thi cấp trường và bị từ chối. Nhưng Phạm Mạnh Ðình vẫn không nản. Sang lớp 12, khi chúng bạn vùi đầu ôn thi đại học thì cậu vẫn mải mê với nghiên cứu rác nhựa.
Cậu tìm đến một cửa hàng cơ khí ở huyện để nhờ xem họ có giúp mình học cách chế tạo máy xử lý rác nhựa không? May mắn là bác chủ tiệm cũng là người đam mê về máy móc, bất ngờ ủng hộ nhiệt thành. "Bác dạy mình cách tính toán để lên thiết kế các máy đơn giản, thậm chí còn cung cấp mô-tơ tua chậm miễn phí. Nhờ bác và xưởng cơ khí đó mà mình có cơ hội thử làm máy ép, máy nấu nhựa. Dù thất bại nhưng lại thêm kinh nghiệm để chế tạo thành công máy đùn nhựa sau này", Ðình kể.
Chiếc máy đùn nhựa là công trình giúp Mạnh Ðình đoạt giải ba nghiên cứu khoa học cấp trường, sau đó đạt giải ba cấp tỉnh như một sự tưởng thưởng cho đam mê nghiên cứu gian nan của cậu học sinh trường làng. Ðiều đặc biệt nữa là nhờ những đêm không ngủ ở xưởng cơ khí đã giúp khả năng làm toán, giải toán của Ðình trở nên thuần thục.
Kết quả là cậu đã thi đỗ đại học với điểm toán cao, trúng tuyển Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Giải thưởng nghiên cứu khoa học về tái chế rác nhựa cũng giúp Ðình có điểm cộng. "Mình nghĩ rằng sản xuất, nghiên cứu vật liệu nào từ rác đều cần công nghệ để vận hành máy móc, nhân lực... Do đó quyết tâm thi vào khoa công nghệ thông tin để nuôi dưỡng tiếp ý tưởng còn dang dở", Mạnh Ðình chia sẻ.
Lên giảng đường, Mạnh Ðình đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về nghiên cứu khoa học. "Mình gặp được rất nhiều thầy, cô giỏi; các bạn học cũng giỏi. Mọi người đều tích cực tham gia nghiên cứu ứng dụng dù từ một ý tưởng rất xa vời. Và đặc biệt khi mình được gặp PGS, TS Lê Anh Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Xây dựng, chuyên ngành Kết cấu công trình. Thầy đã thổi lửa đam mê và quyết tâm để mình đeo đuổi, đưa ý tưởng đi xa hơn, đến thực tiễn", Mạnh Ðình kể.
"Mới đầu, Ðình đưa đến một cục nhựa, tôi hỏi đó là gì? Cậu ta bảo là làm từ nhựa trộn với cát. Tôi thấy rất hay nhưng phải đưa vào nghiên cứu dưới góc độ khoa học thì mới thấy được tính khả thi. Thế là thầy trò liền thử các thí nghiệm cơ bản của một loại vật liệu có thể sử dụng trong xây dựng như khả năng chịu nén, chịu uốn, độ mài mòn, khả năng thẩm thấu nước... đều khả quan. Nếu nghiên cứu nghiêm túc thì rất nhiều đơn vị sẽ quan tâm", thầy Lê Anh Thắng chia sẻ.
Tháng 5/2020, thầy trò Phạm Mạnh Ðình cùng các cộng sự đều là sinh viên các khoa khác trong trường, quyết định thành lập Công ty cổ phần Pando để đi xa hơn trong ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn. Sản phẩm đầu tiên đặt nền móng thành lập Pando là gạch ngói làm từ rác thải nhựa và cát (gạch ngói UNC).
Trong thời gian đầu khởi nghiệp, Pando có nhiều dấu mốc khi đoạt giải cao ở các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc như: Hult Prize, Startup Wheel 2020, SV-Startup, TechFest, I-Start… Năm 2021, Pando bắt đầu đưa các nghiên cứu về tái chế rác thành sản phẩm hữu dụng với những thành tựu như: Sản phẩm tấm lót ly làm từ bã cà-phê kết hợp với rác thải nhựa, đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất vật liệu UNC, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm gạch ngói UNC.
"Khó khăn, trăn trở nhất là nghiên cứu, làm ra được vật liệu nhưng không thể ứng dụng thực tế thì rất đáng tiếc. Ở Việt Nam hay có quan điểm là nghiên cứu khoa học thường chỉ dừng ở giai đoạn hoàn thành công trình nghiên cứu rồi cất đi. Tuy nhiên, nhờ thầy Thắng, mình hiểu gạch tái chế từ rác thải nhựa sẽ là một vật liệu rất có ích cho xã hội, góp phần giải quyết ô nhiễm rác thải. Và hơn cả, nếu có công nghệ sản xuất gạch hàng loạt sẽ có cơ hội thành công rất lớn vì tính tiên phong", Mạnh Ðình nhấn mạnh.
Phạm Mạnh Ðình đại diện Công ty Pando nhận Giải thưởng Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất tại Cuộc thi Startup Wheel 2020. |
Gian nan đưa nghiên cứu ra thực tiễn
Năm 2021 tưởng như đánh dấu bước phát triển bền vững của Pando thì đại dịch Covid-19 đã đảo lộn tất cả. Lúc đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Ðình phải đi làm thêm để vừa trang trải cuộc sống sinh viên, vừa theo đuổi nghiên cứu khi Pando chưa thể đem lại lợi nhuận. Nhưng hầu hết các cộng sự của Mạnh Ðình tại Pando thì không đủ quyết tâm để bước tiếp: "Các bạn quyết định rời bỏ vì thấy đi mãi không đến đích, trong khi sức ép về kinh tế, về tương lai đè nặng. Bản thân mình cũng có những lúc nản vô cùng, định bỏ nhưng rồi vượt qua được, lại tiếp tục", Tổng Giám đốc Công ty Pando Phạm Mạnh Ðình chia sẻ.
"Tôi là giảng viên cho nên công việc nghiên cứu là trọn đời, thất bại thì làm lại. Nhưng các bạn sinh viên đến với nghiên cứu bằng ước mơ, không đẹp như các bạn ấy nghĩ. Qua mùa dịch, mọi người đều nản hết và không thể ở lại công ty tìm kiếm tương lai. Tôi chỉ biết động viên Ðình: Cố gắng tiếp tục tìm cơ hội, kiểu gì cũng sẽ có cuộc gọi đến đề nghị hợp tác", PGS, TS Lê Anh Thắng nói.
Sau dịch, Pando chỉ còn lại hai thành viên là thầy Thắng và Phạm Mạnh Ðình. Lặng lẽ nghiên cứu ứng dụng, chờ đợi ròng rã nhiều năm, cuối cùng, một cuộc gọi đã đến.
Năm 2022, lãnh đạo Phân viện Nghiên cứu hải sản phía nam bất ngờ gọi điện đến Pando để tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Bến Tre - nơi có hàng đống bạt nhựa nuôi tôm thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Phân viện tin rằng Pando có thể tìm ra giải pháp biến loại nhựa này thành gạch, ngói ứng dụng thực tiễn.
"Chúng tôi kết nối ngay với họ và cùng thực hiện đề tài cấp tỉnh ở Bến Tre. Khi nhận được đề tài thì chất liệu nhựa HDPE (High Density Polyethylene) khác với nhựa trước giờ thử nghiệm từ túi nilon,... cho nên hai thầy trò cùng nghiên cứu lại, làm thí nghiệm nhiều hơn như sự lão hóa của nhựa... Nhựa sau khi đã qua một thời gian sử dụng, tính lão hóa rất cao, chúng tôi phải làm nghiên cứu về lão hóa, về khả năng chịu va đập, tìm chất phụ gia để tăng khả năng chống lão hóa, chống mất mầu... với hàng chục thí nghiệm, cuối cùng đã thành công", PGS, TS Lê Anh Thắng kể.
Năm 2022, lãnh đạo Phân viện Nghiên cứu hải sản phía nam bất ngờ gọi điện đến Pando để tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Bến Tre - nơi có hàng đống bạt nhựa nuôi tôm thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Phân viện tin rằng Pando có thể tìm ra giải pháp biến loại nhựa này thành gạch, ngói ứng dụng thực tiễn.
Khó khăn rất lớn khác là Pando phải nghiên cứu, chế tạo được hệ thống máy móc có thể sản xuất gạch hàng loạt. "Nhà trường có trang bị cho thầy trò một máy trộn, một máy dập để thử nghiệm nhưng hiệu suất không tốt. Pando quyết định đặt hàng bên Khoa Chế tạo máy và cuối cùng đã chế tạo thành công máy dập, máy đùn cho ra sản phẩm gạch số lượng lớn, bảo đảm chất lượng", thầy Thắng chia sẻ.
Tháng 3 này, 3.000 viên gạch tái chế từ bạt nuôi tôm được sản xuất hàng loạt lần đầu ở Bến Tre, đánh dấu thành công của Ðề tài nghiên cứu Tái chế rác thải nhựa từ ngành thủy sản ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng vào thực tiễn của Pando. Nhiều đơn vị đã đặt hàng công ty hợp tác cung cấp giải pháp công nghệ để tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, mở ra một hướng đi mới bền vững.
"Kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin của mình đã bổ trợ nhiều cho việc sản xuất. Công nghệ giúp lập trình hệ thống sản xuất, hệ thống đo nhiệt, kiểm soát quy trình sản xuất cho nhân công,... Công nghệ cũng giúp nghiên cứu ra máy móc phù hợp cho việc sản xuất từ đơn lẻ đến đồng loạt. Do đó thời gian tới, Pando định hướng chính là cung cấp các giải pháp công nghệ về tái chế rác thải nhựa từ những thành công nghiên cứu ứng dụng suốt thời gian dài qua", Mạnh Ðình cho biết.
Gần 10 năm theo đuổi nghiên cứu từ một cậu học sinh vùng núi, Mạnh Ðình từng phải chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh, vừa học vừa theo đuổi ước mơ. Năm 2024 này, vị tổng giám đốc trẻ mới tốt nghiệp đại học, chậm so với bạn bè 3 năm. Thầy Thắng thì không ít lần dùng tiền túi giúp cậu học trò đóng tiền học để tiếp tục theo đuổi nghiên cứu bởi chỉ một niềm tin. "Có những nghiên cứu phải mất cả đời chưa chắc đã hoàn thành. Nhưng tôi vẫn nói với các học trò: Mình cứ dám làm, cứ đi đi. Nếu cố gắng không ngừng và có niềm tin vào kết quả ngọt ngào, dù nhanh dù chậm, rồi sẽ đến đích và cống hiến cho cuộc đời", PGS, TS Lê Anh Thắng chia sẻ.
PHONG CHƯƠNG