(ĐCSVN) - Nới điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ là một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được căn cứ trên các mốc thời gian sử dụng khác nhau.
Trong tuần qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến những điểm mới của Luật Đất đai liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho những trường hợp đất không có giấy tờ; quy định việc cưỡng chế thu hồi đất như thế nào?
* Cụ thể, bạn đọc Trần Mai Hương (Thanh Oai, Hà Nội) hỏi: Khu đất gia đình tôi sống hơn 20 năm qua hiện chưa có sổ đỏ. Được biết, một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 có nới điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ? Vậy quy định những trường hợp nào đất không có giấy tờ thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)?
Luật Đất đai 2024 nới điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ. (Ảnh minh họa) |
Liên quan đến câu hỏi này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Nới điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ là một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được căn cứ trên các mốc thời gian sử dụng khác nhau.
Tại Điều 138 Luật Đất đai 2024 chia các trường hợp người sử dụng đất không có giấy tờ trước tháng 7/2014 thành 03 nhóm thời gian để cấp sổ đỏ, cụ thể:
- Nhóm 1: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
- Nhóm 2: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
- Nhóm 3: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
Còn quy định của Luật Đất đai năm 2013 về các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013.
Hồ sơ xin cấp sổ đỏ đất không giấy tờ:
Theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị hồ sơ xin cấp sổ đỏ, gồm:
- Đơn đăng ký, cấp sổ đỏ theo Mẫu số 04a/ĐK.
- Bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Lưu ý: Khi xin cấp sổ đỏ đất không có giấy tờ phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.
Các bước nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ:
Bước 1 - Nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu. Hoặc nộp hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2 - Tiếp nhận hồ sơ: Nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan tiếp nhận sẽ giải quyết. Hoặc đề nghị bổ sung giấy tờ đối với hồ sơ chưa hợp lệ.
Bước 3 - Giải quyết yêu cầu: Cơ quan thẩm quyền thực hiện công việc theo quy trình. Người làm hộ sơ được thông báo thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan.
Bước 4 - Trả kết quả: Thời gian cấp sổ đỏ lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
* Bạn đọc Hoàng Anh Tuấn (Bắc Ninh) hỏi: Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện kiện tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất như thế nào?
Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Liên quan đến nội dung này, Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích: Cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng và tái định cư xảy ra khi người sử dụng đất không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước.
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương;
- Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và đối tượng khác có liên quan đến khu đất thu hồi (nếu có).
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện:
- Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành mà người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã vận động, thuyết phục;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
Quy định về thẩm quyền cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về việc người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quyết định cưỡng chế quy định thời gian dài hơn.
Việc thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
- Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban cưỡng chế thu hồi đất lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Đối với những trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế thu hồi đất tổ chức thực hiện cưỡng chế;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế thu hồi đất phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được quy định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì việc bảo quản tài sản thực hiện theo quy định của Chính phủ; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;
- Lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có hách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Ban cưỡng chế thu hồi đất thực hiện niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban cưỡng chế thu hồi đất thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban cưỡng chế thu hồi đất có yêu cầu./.
Khánh Lan