Antony
(ĐCSVN) - Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ do vi phạm vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập... Đây là bài học đắt giá đối với cán bộ trong diện phải thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước xung quanh vấn đề kê khai tài sản.
Bài học về kê khai tài sản không trung thực của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ
Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho biết ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ.
Có thể thấy giải trình không trung thực về tài sản, đó là một trong những lý do Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật. Nhưng điều mà dư luận đặt vấn đề là tài sản của ông Lê Đức Thọ như thế nào, mà không giải trình về nguồn gốc và biến động một cách minh bạch, trung thực. Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong Đảng và Nhân dân. Là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, là người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh, đúng ra ông Lê Đức Thọ cần phải nêu gương đi đầu trong thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc kê khai tài sản.
Việc Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre ông Lê Đức Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật vì giải trình tài sản không trung thực, là việc làm cần thiết, kịp thời để cảnh báo, cảnh tỉnh là “gương” để tất cả cán bộ, đảng viên khác soi chung.
Thiết nghĩ qua trường hợp của ông Lê Đức Thọ và đâu đó ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn trường hợp không trung thực kê khai tài sản chưa bị phát hiện cần điều chỉnh thái độ và hành vi của mình.
Kê khai tài sản không trung thực được hiểu là kê sai với con số thực, đương nhiên là kê khai thấp hơn tài sản sở hữu. Hoặc, tài sản của mình nhưng để cho người khác đứng tên, rồi giấu giếm số tài sản đó.
“Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc”, cho thấy thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Một số bản kê khai chưa được kiểm tra, xác nhận… Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản thu nhập chưa có tính hệ thống.
Theo số liệu, vào cuối năm 2022, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Từ 08/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định….
Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).
Kiểm soát việc kê khai tài sản
Để kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phát huy hiệu quả, tránh hình thức, cần thực hiện tốt một số nội dung tại Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị, “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản” và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ “về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”, trong đó cần tâp trung để hạn chế kê khai tài sản không trung thực.
Trước hết nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về sự cần thiết, yêu cầu phải kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định được nâng lên; có sự đồng thuận xã hội cao đối với việc kê khai và công khai tài sản. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều xác định kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản để phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai, giám sát việc kê khai tài sản.
Nội dụng kê khai tài sản, thu nhập phải ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó. Xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, để uốn nắn, xử lý kịp thời vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Hằng năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng của một số bộ, ngành, địa phương trong đó có kiểm tra, đôn đốc nội dung về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; đã xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập. Trong công tác cán bộ, kết quả việc kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập được sử dụng là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng phục vụ công tác cán bộ. Sau kê khai, bước đầu hình thành được dữ liệu cơ bản về bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xác minh phải là những tập thể, cá nhân có đạo đức trong sáng và và bàn tay “sạch” để “vào cuộc” kiểm tra, thanh tra, xác minh, giám sát, truy đến cùng nguồn gốc tài sản, thu nhập đã kê khai và phát hiện thêm; bảo đảm thật sự “không có vùng cấm”, không có sự can thiệp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình này.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành hang pháp lý trong triển khai, thực hiện kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Chú trọng đánh giá, tổng kết toàn diện và cụ thể các chủ trương, giải pháp về minh bạch tài sản, thu nhập đã được triển khai và thực tiễn thực hiện đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác minh bạch tài sản, thu nhập.
Đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, đẩy mạnh chi trả lương, thu nhập qua tài khoản, hạn chế dùng tiền mặt; bổ sung hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú, qua các phương tiện thông tin truyền thông; nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý đối với tài sản có nguồn gốc bất minh được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát kê khai tài sản.
Ban hành quy định để quần chúng, người dân, thông qua chi ủy, đảng ủy, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí phát giám sát, phát hiện, tố giác những biểu hiện thiếu trung thực, những dấu hiệu vi phạm trong kê khai của cán bộ bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua thư, tín nhắn.
Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thậm chí tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc chính đáng. Thông báo công khai đến chi bộ đảng nơi cán bộ công tác và cư trú, trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, khen thưởng xứng đáng, bảo vệ những tổ chức, cơ quan báo chí và quần chúng, người dân đã có công trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm, không trung thực trong kê khai tài sản./.
VM