Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới

09/12/2024 17:52 182

Tony Lê- TV

Thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, không chỉ gây thiệt hại tài sản cho người dân mà còn ảnh hưởng uy tín của các cơ quan, tổ chức, gây hoang mang trong xã hội. Người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, đồng thời phối hợp cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo 10 chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội và cách phòng tránh.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo 10 chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội và cách phòng tránh.

Hiện nay, Pickleball là môn thể thao thu hút rất nhiều người tham gia, trở thành trào lưu rộng khắp cả nước. Lợi dụng việc này, các đối tượng xấu đã lập các trang facebook giả mạo mang tên "Liên đoàn Pickleball Việt Nam" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia học chơi Pickleball.

Ngày 26/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đăng ký học Pickleball trên mạng xã hội.

Theo đó, chị H, trú tại Hà Nội, có nhu cầu đăng ký cho con học Pickleball. Qua tìm hiểu, chị H liên hệ tài khoản facebook "Liên đoàn Pickleball Việt Nam" thì được yêu cầu tải ứng dụng Telegram. Chị H được các "chuyên viên" hướng dẫn tham gia làm một số nhiệm vụ xác nhận đồ dùng thể thao để được giảm giá khóa học.

Chị H đồng ý tham gia và đã chuyển gần 400 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Sau đó, chị H muốn rút số tiền nêu trên nhưng lại được các đối tượng thông báo về việc chị thực hiện sai cú pháp và yêu cầu chị chuyển thêm tiền để rút được tiền. Phát hiện mình bị lừa, chị H đã đến cơ quan công an trình báo.

Qua sự việc nêu trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác khi đăng ký tham gia các lớp học Pickleball được quảng cáo trên mạng xã hội. Người dân nếu có đăng ký nhu cầu học chơi môn thể thao này thì nên trực tiếp đến các trung tâm, cơ sở dạy để tìm hiểu thực tế. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để kịp thời giải quyết theo quy định.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cảnh báo về các hành vi lừa đảo mạo danh Open AI như: giả mạo các dịch vụ, phần mềm của Open AI hoặc tạo các chương trình khuyến mãi giả, thu hút người dùng bằng các gói dịch vụ AI giá rẻ hoặc các tính năng độc quyền nhằm chiếm đoạt tiền.

Vừa qua, công ty an ninh mạng Barracuda Networks (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo tập đoàn công nghệ Open AI nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của những người sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Chat GPT.

Theo đó, các đối tượng chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua email, thông báo rằng thủ tục gia hạn gói đăng ký Chat GPT Plus không thể hoàn thành do phương thức thanh toán không hợp lệ, yêu cầu truy cập vào đường link được đính kèm để cập nhật thêm thông tin.

Khi nhấn vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web với tên miền giả mạo, sở hữu giao diện giống với trang web chính thống của Open AI. Tại đây, trang web yêu cầu người truy cập điền vào chỗ trống các thông tin như: số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ nhà, thông tin thẻ ngân hàng...

Sau khi làm theo hướng dẫn, trang web sẽ chuyển hướng nạn nhân tới màn hình chờ để giao dịch gia hạn gói đăng ký được xử lý. Ðây là lúc các đối tượng sử dụng thông tin ngân hàng của nạn nhân để thực hiện giao dịch bất hợp pháp.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Người dân cần kiểm tra kỹ địa chỉ email của người gửi, xác minh tên miền của trang web thông qua các công cụ uy tín, cẩn trọng xác thực lại nội dung tin nhắn thông qua số điện thoại hoặc trang web chính thống của ứng dụng, phần mềm đang được sử dụng, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của tin nhắn.

Qua công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân bằng phương thức: Các đối tượng tìm kiếm thông tin về các bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong các vụ án hình sự, kinh tế trên báo chí và mạng xã hội, rồi tìm hiểu về các mối quan hệ thân nhân trong gia đình, chủ yếu là thông tin vợ chồng, con cái. Sau đó, đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép, điền thông tin lên các biểu mẫu tố tụng hình sự như lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can…, gửi tin nhắn đến người thân của bị can trong vụ án qua ứng dụng Telegram, facebook.

Các đối tượng tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên đang thụ lý vụ án; trao đổi thông tin liên quan đến vụ án dựa trên những nội dung đã được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, gửi hình ảnh, lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can (giả mạo) để làm cho người nhà của bị can tin tưởng là thật.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu người nhà bị can phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) với giá trị 100.000 USDT (tương đương 2,6 tỷ đồng) vào ví điện tử do đối tượng chỉ định để "chạy án", giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can.

Trường hợp nạn nhân bị sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng, khẩn trương điều tra, truy xét, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ ngày 18 đến ngày 24/11, đơn vị này ghi nhận nhiều phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, có dấu hiệu lừa đảo.

Thống kê trong 5 tuần, từ 14/10 đến 17/11, tổng đài số 156/5656 do trung tâm này vận hành đã tiếp nhận hơn 21.800 phản ánh của người dùng về các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo. Trong số này, mạo danh công an yêu cầu tải, cài ứng dụng định danh điện tử VNeID giả mạo là một trong những chiêu trò lừa đảo được người dân thông tin nhiều nhất.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của các trang mạng xã hội, chỉ tương tác với các tài khoản đã được xác thực; Tìm hiểu kỹ về các ứng dụng, không tải phần mềm từ các liên kết không rõ ràng; Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch khi chưa xác minh tính chính thống; Tuyên truyền cho người thân và bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh; Khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan công an hoặc các đơn vị bảo vệ an ninh mạng để kịp thời xử lý.

Thư Minh

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2