Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp phiên mở rộng để thảo luận về tình hình Dải Gaza trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn sau nhiều tháng và căng thẳng đang lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông.
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại phiên họp, Điều phối đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến đáng báo động, bất ổn và viễn cảnh chấm dứt chiến sự mờ mịt tại Gaza khi xung đột giữa Israel và Hamas bước sang ngày thứ 140. Ông cảnh báo quy mô tình trạng khẩn cấp hiện nay có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát.
Đêm 22/2, Nội các Chiến tranh Israel đã biểu quyết thông qua quyết định cử phái đoàn tới Paris, Pháp nhằm nối lại cuộc đàm phán về con tin và lệnh ngừng bắn với Phong trào Hamas qua sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar. Quyết định được đưa ra sau khi Hamas thể hiện sự linh hoạt liên quan các điều khoản về một thỏa thuận khung do phía Mỹ xây dựng. Trước đó, thành viên Nội các Chiến tranh của Israel, ông Benny Gantz, cũng nhận định có những dấu hiệu sớm về tiến triển trong đàm phán thỏa thuận phóng thích các con tin, từ đó bảo đảm một khoảng thời gian tạm dừng giao tranh.
Cùng ngày, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Đặc phái viên về Trung Đông của Nhà trắng Brett McGurk đã báo cáo những tín hiệu ban đầu rằng các cuộc đối thoại với giới lãnh đạo Israel diễn ra tốt đẹp và mang tính xây dựng. Ông McGurk đang ở Tel Aviv nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận trao đổi con tin và ngừng bắn dự kiến sẽ diễn ra tại Paris từ cuối tuần này.
Cuộc xung đột Hamas-Israel không chỉ gây thiệt hại lớn về người, mà còn khiến nền kinh tế của Israel và Palestine chịu tổn thất nghiêm trọng. T
Cuộc xung đột Hamas-Israel không chỉ gây thiệt hại lớn về người, mà còn khiến nền kinh tế của Israel và Palestine chịu tổn thất nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc xung đột nổ ra từ ngày 7/10/2023 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza và khiến kinh tế khu vực này sụt giảm hơn 80% trong quý IV/2023. WB đánh giá, ngoài những thiệt hại về người, cuộc xung đột đã làm đình trệ nền kinh tế tại Dải Gaza. Theo WB, hầu hết người dân ở Gaza sẽ sống trong cảnh nghèo đói, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đang lên kế hoạch sơ tán khoảng 140 bệnh nhân bị mắc kẹt tại Bệnh viện Nasser ở Gaza. Các đội y tế đã phải chôn cất 13 bệnh nhân tử vong tại khuôn viên bệnh viện do cơ sở này bị mất điện và thiếu oxy y tế. WHO cho biết, bệnh viện ở Khan Younis, cơ sở y tế lớn thứ hai của Gaza, đã ngừng hoạt động vào tuần trước sau khi bị Israel bao vây và tấn công.
Gaza đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi xung đột kéo dài gần 5 tháng qua mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phần lớn người dân tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và sống trong điều kiện thiếu thốn trầm trọng về lương thực, nước uống và thuốc men. Hiện xung đột đã lan tới Rafah - thành phố được xem là nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine mất nhà cửa do giao tranh.