Gia đình Thứ Ba, 03/12/2024 18:00:00 +07:00
Cách phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc sẽ giúp bạn chọn đúng mặt hàng phù hợp với nhu cầu của mình.
Xem nhanh
1. Cách phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc
Hình dáng và kích thước
Màu sắc
Hương thơm
Độ ngọt
Thời gian bảo quản
Giá cả và nguồn gốc
Một số người bán hàng có sự nhập nhèm, cố tình gây nhầm lẫn giữa dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc để bán được nhiều hàng hơn hoặc tăng lợi nhuận. Việc phân biệt được hai loại dâu tây sẽ giúp bạn mua được đúng sản phẩm mình cần, tránh những thiệt hại về kinh tế và giảm rủi ro về an toàn thực phẩm.
Cách phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc
Dâu tây Mộc Châu là loại nông sản rất được ưa chuộng và tin tưởng do được trồng trong nước nên có thể đảm bảo độ tươi khi đến tay người tiêu dùng mà không nhất thiết phải sử dụng cách bảo quản kém an toàn. Người tiêu dùng cũng có nhiều thông tin hơn về quy trình sản xuất và phân phối để quyết định chọn mua. Trong khi đó, dâu tây Trung Quốc được chuyển về từ khoảng cách rất xa, mất nhiều thời gian nên có nguy cơ được áp dụng cách bảo quản không an toàn, nhất là khi giá quá rẻ.
Ngoài sự an toàn, nhiều người muốn biết cách phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc để mua được loại phù hợp với sở thích.
Hai loại dâu tây này khá giống nhau, nhưng nếu chú ý quan sát kỹ, bạn vẫn có thể phân biệt qua một số đặc điểm dưới đây:
Hình dáng của dâu tây Mộc Châu thường không đồng đều do canh tác tự nhiên (Ảnh: Mia)
Hình dáng và kích thước
Dâu tây Mộc Châu thường có kích thước nhỏ đến trung bình. Hình dáng của chúng không nhất quán, có thể hơi lệch hoặc không cân xứng, đó là do môi trường canh tác tự nhiên và không bị can thiệp bởi hóa chất.
Ngược lại, dâu tây Trung Quốc trông rất bắt mắt với kích thước lớn, đều đặn như khuôn đúc, thường có hình trái tim hoàn hảo.
Màu sắc
Dâu tây Mộc Châu mang sắc đỏ tự nhiên, cuống xanh mướt. Đôi khi màu đỏ trên quả không phủ đều, phần gần cuống có thể còn hơi xanh. Trái lại, dâu tây Trung Quốc thường có màu đỏ đậm đồng nhất từ đầu đến cuống, bề mặt trơn bóng và đôi khi phủ lớp phấn mờ.
Màu sắc là một yếu tố giúp phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc.
Hương thơm
Hương thơm cũng là một yếu tố quan trọng để phân biệt dâu tây Mộc Châu và dâu tây Trung Quốc. Dâu tây Mộc Châu tỏa ra hương thơm dịu dàng, tự nhiên, dễ dàng cảm nhận khi lại gần. Đây chính là đặc trưng của những quả dâu tây tươi và được chăm sóc trong điều kiện thuần tự nhiên.
Dâu tây Trung Quốc thường thiếu mùi thơm hoặc chỉ thoang thoảng rất nhẹ, kém hấp dẫn. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng đã bị xử lý hóa chất trong quá trình sản xuất hoặc bảo quản.
Độ ngọt
Khi ăn dâu tây Mộc Châu, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt thanh hòa quyện với chút chua nhẹ, tạo cảm giác sảng khoái và tươi mới khi thưởng thức. Vị chua ngọt tự nhiên này là điểm nổi bật khó nhầm lẫn.
Dâu tây Trung Quốc thường có vị nhạt hoặc ngọt gắt, không cân bằng, thiếu đi sự tươi mát. Nhiều quả có kết cấu xốp, không mọng nước, khiến trải nghiệm thưởng thức kém phần hấp dẫn.
Dâu tây Mộc Châu có thời gian bảo quản khá ngắn (Ảnh: Mocchau24h)
Thời gian bảo quản
Dâu tây Mộc Châu có thời gian bảo quản khá ngắn, thường chỉ giữ được độ tươi trong 1-2 ngày ở nhiệt độ thường và 3-4 ngày nếu bảo quản lạnh. Vì không qua xử lý hóa chất, loại dâu này rất dễ bị dập hoặc hỏng.
Trái lại, dâu tây Trung Quốc có thể được bảo quản trong thời gian dài hơn, từ 5-7 ngày mà vẫn giữ được vẻ ngoài rất ổn. Dâu tây là loại quả dễ bị dập, thối nên việc bảo quản được lâu có thể là dấu hiệu của việc sử dụng hóa chất bảo quản.
Giá cả và nguồn gốc
Dù "xấu mã" hơn, dâu tây Mộc Châu thường có mức giá cao hơn dâu tây Trung Quốc. Những loại dâu tây Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng thường rất rẻ so với mặt hàng trái cây nhập khẩu.
Về bao bì, dâu tây Mộc Châu thường được đóng gói theo cách tối giản, nhưng nhấn mạnh nguồn gốc rõ ràng và thường có mặt tại các cửa hàng uy tín. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn.
Trong khi đó, dâu tây Trung Quốc thường được đóng trong hộp nhựa bắt mắt với thiết kế hấp dẫn, nhưng thông tin xuất xứ thường không rõ ràng hoặc chỉ có tem nhãn bằng tiếng Trung, gây khó khăn cho việc xác minh nguồn gốc thực sự.
Mai Linh