Bộ Công an nghiêm cấm giữ xe nếu tài xế không có lỗi trong vụ tai nạn

05/12/2024 18:00 155

Tony Lê- TV

Tin nóngThứ Năm, 05/12/2024 15:59:09 +07:00

Bộ Công an yêu cầu phải trả xe ngay cho tài xế nếu xác định không có lỗi gây ra tai nạn, không được giữ xe của các bên để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 72/2024, quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại điều 10, thông tư nêu rõ: Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, nếu xác định người lái xe không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật, thì xe phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người lái xe.

"Nghiêm cấm việc giữ xe của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại", thông tư nêu rõ.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Về các nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông đường bộ, cán bộ cảnh sát giao thông có trách nhiệm làm rõ có hay không có dấu hiệu tội phạm; có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn; cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm; lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm và các tình tiết khác…

Theo điều 18, thông tư quy định cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn cho các bên liên quan đến vụ tai nạn đường bộ tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc, cán bộ cảnh sát giao thông thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết. Đồng thời, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tai nạn, lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, điều 15 thông tư 72/2024 nêu rõ trong quá trình điều tra, xác minh vụ tai nạn, nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết cho việc điều tra, xác minh, giải quyết, thì tổ chức dựng lại hiện trường vụ việc để điều tra. Việc dựng lại hiện trường phải có kế hoạch dựng lại hiện trường và được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung dựng lại hiện trường gồm: Xác định lại vị trí người bị nạn, tang vật, phương tiện, dấu vết để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn; đo và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.

Kết thúc dựng lại hiện trường, phải lập biên bản khám nghiệm hiện trường dựng lại, vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ được dựng lại; những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản và sơ đồ.

Minh Tuệ

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2