(ĐCSVN) - Nhiều vụ học sinh nghi bị ngộ độc do ăn kẹo “lạ”, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã xảy ra tại nhiều địa phương. Dư luận cho rằng cần phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ nhằm xử lý các hành vi vi phạm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Liên tiếp các vụ học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm
Những ngày qua, thông tin về hàng chục học sinh có dấu hiệu bị gộ độc thực phẩm sau khi ăn một loại kẹo có chữ nước ngoài đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, chiều ngày 27/11, một số học sinh của Trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mua kẹo ở gần cổng trường đem vào lớp để chia nhau ăn. Đến tối cùng ngày, những học sinh đã ăn kẹo (ở nội trú) có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tê môi. Ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thông tin tới cha mẹ học sinh để nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của các em.
Đến tiết học chiều 28/11, những học sinh trên vẫn còn tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn nên được nhà trường đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Qua kiểm tra, rà soát ban đầu có 29 học sinh (trong đó 27 học sinh lớp 6A, 2 học sinh lớp 8C), cùng ăn một loại kẹo chữ nước ngoài, không có tem phụ đề tiếng Việt mua tại cửa hàng tạp hóa của một người tên S. bán ngoài đường, gần cổng trường.
Cũng tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngày 25/11 vừa qua đã xảy ra vụ 5 học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo “lạ” có in chữ nước ngoài. Theo đó, trong giờ giải lao buổi trưa, một số học sinh đã mua kẹo ở quán tạp hóa phía sau Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) để ăn. Sau đó, 5 em học sinh xuất hiện biểu hiện nghi ngộ độc như: tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở và nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế theo dõi và điều trị, sức khỏe tạm thời ổn định. Những học sinh còn lại chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Thông tin ban đầu, loại kẹo các em học sinh mua ăn có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt được bày bán cửa hàng tạp hóa gần trường.
Văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh liên quan đến các vụ việc vừa xảy ra. (Ảnh chụp màn hình). |
Không chỉ riêng ở tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước đã diễn ra tình trạng học sinh có các biểu hiện nghi bị ngộ độc do sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ngày 28/11 vừa qua, một số học sinh Trường THCS Nguyễn Du (phường Mỏ Chè, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), đã mua gói kẹo màu xanh, có chữ nước ngoài, bán ở khu vực cổng Trường Tiểu học Mỏ Chè, cổng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và một cửa hàng gần Trường THCS Nguyễn Du. Sau khi ăn kẹo “lạ”, các em học sinh này đã có biểu hiện bị đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn...
Còn tại TP Hà Nội, chiều ngày 29/11, học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm mua kẹo lạ gần trường chia nhau ăn sau đó có dấu hiệu bị ngộ độc. Có 11 học sinh được đưa đến trạm Y tế phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm khám và theo dõi sức khoẻ. Đến nay, sức khoẻ 11 học sinh đều ổn định. Qua rà soát cho thấy, số học sinh này đã mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, vỏ bao có màu xanh, ghi chữ nước ngoài và chia cho nhau cùng ăn. Sau khi ăn kẹo chừng 45 phút, tất cả học sinh kể trên đều có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.
Cẩn trọng với các loại kẹo "lạ", không rõ nguồn gốc. (Ảnh chụp màn hình). |
Ngay sau đó, Công an Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã kiểm tra cửa hàng số 19/8 đường Quang Tiến, thu giữ 66 gói ni lông màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, cô ca, ô mai, bên ngoài bao bì đều có ghi chữ nước ngoài. Hiện các sản phẩm đang được kiểm tra về chất lượng.
Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã ghi nhận 4 vụ với hàng chục học sinh nghi bị ngộ độc liên quan đến các loại kẹo “lạ”, không rõ nguồn gốc. May mắn là hầu hết các trường hợp học sinh nghi ngộ độc thực phẩm do sử dụng kẹo “lạ”, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán các cửa hàng tạp hóa đều được phát hiện, xử lý kịp thời, nhưng đây thực sự là những hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Thực tế, tại các cửa hàng tạp hóa, nhất là cửa hàng gần các trường học, không khó để bắt gặp hình ảnh các loại kẹo được thiết kế với đủ hình dáng, màu sắc bắt mắt, thu hút học sinh. Điểm chung của những loại sản phẩm này là thường có chữ nước ngoài, không có nguồn gốc rõ ràng, giá thành rẻ, được đóng gói nhỏ, riêng lẻ.
Theo một số chuyên gia, việc sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, được bán với giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh. Nguy hiểm hơn nếu các loại thực phẩm này có chứa các chất gây nghiện, chất cần sa, ma túy,…
Do vậy, dư luận cho rằng cần có sự vào cuộc các lực lượng với những giải pháp đồng bộ. Trước hết, các cấp chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý địa bàn; thường xuyên kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực cổng trường học.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc do cơ quan chức năng thu giữ tại các cửa hàng ở một số cổng trường trên địa bàn phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thu Hằng). |
Song song với đó, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của học sinh và con em mình. Các bậc phụ huynh cần giành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở con em mình ăn uống tại gia đình trước khi đến lớp; không mua, sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, các loại kẹo “lạ”. Đối với các trường học, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, các thầy, cô giáo cần phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ở cửa hàng tạp hóa, quầy bán hàng rong trước cổng trường để bảo vệ sức khỏe. Tăng cường công tác truyền thông học đường với các hình thức phong phú, sinh động nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường; kiên quyết “tẩy chay” các loại thực phẩm bẩn.
Các ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi cố tình buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng, nhất là học sinh.
Thiết nghĩ, bảo vệ học sinh trước thực phẩm không rõ nguồn gốc là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với những giải pháp động bộ sẽ là cơ sở để ngăn ngừa, chặn đứng các loại kẹo “lạ”, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, qua đó bảo vệ sức khỏe của các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước./.
Nguyễn Thị Phượng