(ĐCSVN) - Những ngày vừa qua, mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Dự báo mưa lũ vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là mưa lớn vẫn diễn ra, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất vẫn còn khả năng hiện hữu. Do đó, đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cần được đặt lên hàng đầu.
Cứu hộ người già đến nơi an toàn tại Thừa Thiên Huế (Nguồn ảnh: baothuathienhue.vn) |
Những ngày qua, tại nhiều tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa to đến rất to, có những nơi lượng mưa lớn cực đoan xảy ra trong khoảng thời gian ngắn gây ngập lụt trên diện rộng. Tính từ 19h ngày 12/11 đến 7h ngày 16/11, khu vực Trung Bộ có lượng mưa phổ biến từ 300-500mm. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa đặc biệt lớn, cực đoan với lượng mưa phổ biến từ 500-800mm, có nơi trên 1.000mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Tại Quảng Trị: Hải Lâm 646mm, Nam Thạch Hãn 646mm. Tại Thừa Thiên Huế: Thượng Lộ 1.160mm, Rào Trăng 1.149mm, Thị trấn Khe Tre 1.052mm. Tại TP. Đà Nẵng: Hoà Vang 712mm, Hoà Bắc 704mm. Tại Quảng Nam: Phước Hiệp 836mm, Hồ Nước Rôn 760mm. Tại Quảng Ngãi: Ba Điền 942mm, Sơn Kỳ 740mm. Tại Phú Yên: Sông Hinh 587mm, hồ Phú Xuân 454mm.
Ảnh hưởng của mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương miền Trung. Theo thống kê, từ ngày 13-15/11 mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm 2 người chết (tại Quảng Trị 1 người, Thừa Thiên Huế 1 người), 3 người mất tích (Quảng Trị 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người).
Về nhà, 17.877 nhà ngập (Quảng Trị 1.309 nhà, Thừa Thiên Huế 16.345 nhà; Đà Nẵng 83 nhà, Quảng Ngãi 140 nhà). Hiện tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế còn ngập từ 0,3-0,6m. Bên cạnh đó, 34 nhà bị hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh 17; Thừa Thiên Huế 2; Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 4).
Về nông nghiệp, 122 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118ha; Đà Nẵng 4 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị); 1.100 con gia súc, gia cầm; 2 ha nuôi trồng thuỷ sản (Quảng Trị) bị thiệt hại.
Về giao thông, ngập gây ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Sạt lở taluy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9C (100m3), QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (TP. Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).
Trước diễn biến mưa lũ lớn, tại các địa phương đã triển khai cấp bách các công tác ứng phó. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tối 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Tổ chức di dời 351 hộ dân (huyện Nam Đông: 151 hộ; huyện Phú Lộc: 146 hộ; TP Huế: 54 hộ). Ngày 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán dân; cử lực lượng hỗ trợ, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông nhất là các khu vực ngập lụt, gây ách tắc giao thông.
Tại các tỉnh khác, ngày 14/11, có 7 điểm trường tại tỉnh Quảng Trị và một số điểm trường tại huyện Sơn Hà và huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã cho học sinh nghỉ học.
Về tổ chức sơ tán người dân, tính chung, tính đến nay, đã tổ chức sơ tán, di dời 4.021 hộ dân (Quảng Trị 448 hộ,Thừa Thiên Huế 3.470 hộ, Quảng Nam 50 hộ, Quảng Ngãi 25 hộ, Khánh Hoà 28 hộ) để ứng phó với mưa lũ.
Trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương miền Trung, trong chiều 15/11, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua kiểm tra và báo cáo của địa phương, ông Vũ Xuân Thành đề nghị Thừa Thiên Huế cần tập trung theo dõi sát sao, đặc biệt là chú ý nguy cơ cao sạt lở đất tại các khu vực miền núi, cần có phương án rà soát, đề phòng sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã ban hành công văn số 421/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi sơ tán và khu vực bị ngập lụt kéo dài; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương, giáo viên, học sinh tại các khu vực xảy ra ngập lụt,…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11/2023 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung bộ. Trong công điện, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Hiện nay, tình hình mưa lũ vẫn được dự báo diễn biến rất phức tạp. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 16/11, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Đặc biệt, ngày và đêm 16/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm; Quảng Trị và khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Đặc biệt, từ 16-17/11, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng lên lại; trên các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ, trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2, 3.
Dự báo trên cho thấy tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, đòi hỏi, các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với ngập lụt, đồng thời, đề phòng với nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Thực tế cho thấy, để ứng phó với mưa lũ, có rất nhiều công việc, giải pháp cần phải triển khai. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên hàng đầu cần được các cấp chính quyền của địa phương quan tâm, chú trọng, đó là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bởi trong phòng, chống thiên tai, tính mạng của người dân luôn là trên hết.
Do đó, đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu, trong đó, các địa phương cần có các biện pháp để kiểm soát được tình hình, dự báo trước những nơi có khả năng cao xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đất,…để kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Nếu như chỉ cần chậm trễ, hậu quả sẽ rất khôn lường.
Mặt khác, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước mưa lũ, thiên tai, thiết nghĩ, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai đến với từng người dân, từng cộng đồng. Trong đó, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất,…thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: băng rôn, áp phích, đài truyền thanh,…Công tác tuyên truyền, phổ biến cần được thường xuyên với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để mỗi người dân đều nâng cao tinh thần cảnh giác với thiên tai, hiểu được thiên tai và các biện pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước thiên tai. Đặc biệt, trước thời gian mùa mưa lũ và cao điểm mùa mưa lũ, công tác tuyên truyền về kỹ năng phòng chống thiên tai cần được các địa phương đẩy mạnh để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng chống thiên tai.
Mùa mưa lũ hiện đang tiếp diễn, với tính chất nguy hiểm và khó lường và có khả năng gây ra nhiều hậu quả lớn, do vậy, các địa phương cần có các giải pháp để chủ động ứng phó, đặc biệt, cần quan tâm đến các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Đặc biệt, mỗi người dân cũng cần tự nêu cao tinh thần cảnh giác, trang bị các kỹ năng cần có để ứng phó với thiên tai như: tránh đi qua các ngầm tràn nước đang dâng cao, chảy xiết, không vớt củi, đánh bắt cá khi có lũ,…để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mùa mưa lũ./.
B.T