Bài toán xử lý xe “vô thừa nhận”

25/01/2024 22:23 262

Antony

(ĐCSVN) - Một số tài xế sau khi nhận được thông báo mức xử phạt thấy số tiền nộp phạt cao hơn giá trị phương tiện nên họ quyết định bỏ xe. Điều này làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ phương tiện của lực lượng chức năng.

Chỉ riêng tại Hà Nội, năm 2023, cảnh sát giao thông đã tạm giữ 42.731 phương tiện, bao gồm 4.713 ô tô, 37.560 xe máy, 326 xe máy điện, phương tiện khác gồm 117 xe; xe ba bánh là 15 chiếc.

Số phương tiện vi phạm bị tạm giữ tăng cao gây ảnh hưởng tới quá trình tạm giữ, tăng thủ tục hành chính đối với công tác tạm giữ. Trong các đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn vừa qua, vẫn còn các trường hợp người dân bỏ phương tiện, không chấp hành việc xử phạt.

Đáng chú ý, áp lực tăng đột biến tại các bãi tạm giữ phương tiện cũng gây nguy cơ cháy nổ và trộm cắp tài sản; phương tiện tạm giữ lâu ngày sẽ bị hoen rỉ, giảm sút chất lượng. Nhiều phương tiện hư hỏng đến mức không thể phục hồi. Khi tổ chức bán đấu giá thì giá trị của các phương tiện đã giảm sút, nhiều phương tiện chỉ quy đổi thành sắt vụn.

Trả lời câu hỏi của nhiều bạn đọc về quy định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, bảo quản, trao trả cũng như cách xử lý nếu “vô thừa nhận”, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật gia Ninh Văn Quang (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 125 Chương II phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020), việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của Khoản 3 Điều 60 của Luật này;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều này.

Theo quy định tại Điều 16 Chương II Nghị định 138/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, cụ thể:

1. Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

2. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc trả lại hoặc chuyển tang vật, phương tiện khi đã có quyết định trả lại hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện theo trình tự như sau:

a) Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh Nhân dân của người đến nhận.

Bãi tạm giữ phương tiện vi phạm của cảnh sát giao thông Hà Nội tại 360 đường Giải Phóng có diện tích khoảng 4.000m2 luôn quá tải (Ảnh: Phạm Hải)

Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản;

c) Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện cho cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành hai bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ một bản;

d) Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân hoặc đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản thì cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu trước đó phối hợp với cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản tổ chức chuyển giao tài sản và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến tài sản cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận.

3. Tang vật, phương tiện khi đã được đưa ra khỏi nơi tạm giữ và trả lại cho người nhận thì người nhận tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm về việc mất, thay đổi đối với tang vật, phương tiện đó.

4. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện sau khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc sau khi đã chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ, tịch thu trước đó về kết quả đã thực hiện.

5. Thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

a) Tổ chức, cá nhân vi phạm khi đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ không thuộc trường hợp bị tịch thu phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.

Không phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm được giao giữ, bảo quản phương tiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này;

b) Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tổ chức được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện thuê để lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ;

c) Chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; việc thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Luật gia Quang phân tích, đối với tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 125 Chương II phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (để xác minh, để ngăn chặn) khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính;

+ Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

- Đối với tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (để bảo đảm thi hành quyết định) khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

“Nếu người vi phạm đã bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe mà không đến nộp phạt trong thời hạn quy định, sau này tiếp tục vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt còn phải chấp hành quyết định xử phạt đã có hiệu lực trước đó, thì mới được xem là hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước”, luật gia Quang nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2