Áp lực tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm là rất lớn

10/09/2023 16:20 225

Áp lực tăng trưởng

Văn Các

(ĐCSVN)- Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra chiều tối 9/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%. Đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm.

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin với báo chí. Ảnh: VGP

Trả lời câu hỏi liên quan đến mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5% nhưng nửa đầu năm mới đạt 3,72%, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đề ra? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này rất quan trọng để xem xét thông qua các báo cáo chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương sắp tới và kỳ họp lần thứ VI, Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%. Đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.

“Để phục vụ cho các báo cáo và công tác tham mưu về cơ chế chính sách cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã phân tích rất kỹ lưỡng, trong đó có kiến nghị về các mục tiêu từ nay đến cuối năm cố gắng tối đa đạt được các kết quả tốt nhất có thể”- Thứ trưởng nói.

Đề cập đến giải pháp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt từ đầu năm đến nay như chỉ số CPI theo xu thế giảm dần và ở mức thấp; chính sách tài khóa tiền tệ được thực hiện rất tốt. Chính phủ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tối đa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Động lực thứ nhất là tập trung tăng trưởng khu vực dịch vụ, đây là điểm nhấn để nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch. Chúng ta thấy rõ thực tế du lịch nước ta trong những tháng qua phục hồi và phát triển rất tốt.

Động lực thứ hai là tập trung củng cố và phát triển trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực nông nghiệp khi chúng ta đang ở trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới. Điểm thuận lợi của nước ta là nước xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, còn có bài toán cân đối để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an ninh lương thực nội địa. Đây là ngành chúng ta luôn luôn chú trọng khi gặp khó khăn.

Động lực thứ ba là thị trường trong nước. Trong các báo cáo tham mưu và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thông qua thị trường trong nước, tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước, có điều kiện để duy trì cũng như mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đó là những động lực cần tập trung nhiều hơn để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chắt chiu tận dụng từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế nhằm tăng cường xuất khẩu, duy trì các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo trong nước. Đây là những nội dung chủ yếu liên quan đến đánh giá về kết quả 8 tháng đầu năm và tháng 8/2023 cũng như dự kiến tình hình từ nay đến cuối năm.

Năm nay sẽ giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công

Câu hỏi về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm nay phải giải ngân hơn 95% nhưng đến tháng 8 mới đạt được hơn 42%, tức là mới đạt được 1/2 mức Thủ tướng giao trong khi đó từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng nữa. Vậy, khả năng đạt mục tiêu giải ngân năm nay như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đối với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cùng kỳ tháng 8 so với các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8/2023 là cao nhất, không chỉ số tương đối mà còn cả số tuyệt đối. Đó cũng là điều để có thể có niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. Chúng ta biết số vốn tương đối lớn, nhưng kèm theo đó là danh mục dự án nhiều và dự án đầu tư cũng khá lớn.

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong các Nghị quyết về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như Nghị quyết 105 của Chính phủ, điều quan trọng hơn cả chính là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công”- Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho hay, hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức giải ngân 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023”- Thứ trưởng nói./.

Mỹ Anh

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2