Nhắc đến khái niệm "trường học hạnh phúc" là nghĩ ngay đến môi trường học tập mà cả thầy, cô, học sinh và phụ huynh đều cảm thấy vui vẻ trong quá trình tiếp thu, giảng dạy. Trên hết, ngôi trường hạnh phúc cần bảo đảm các tiêu chí về an toàn, yêu thương và tôn trọng; trong đó, an toàn được xem là yếu tố cốt lõi.
Môi trường học tập an toàn cần được xây dựng bằng tính kỷ cương và sự tôn trọng. (Ảnh minh họa: NGỌC KHÁNH) |
Thời gian gần đây, vụ việc giáo viên âm nhạc Trường trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) P.T.H. bị học sinh tấn công trong lớp học đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận.
Câu chuyện trên cho thấy, bạo lực học đường không chỉ xảy đến với các học sinh mà giáo viên cũng có khả năng trở thành người bị hại của vấn nạn này. Và có thể, đối tượng gây ra tổn thương cho các thầy, cô lúc này lại là những học trò mà họ hết mực yêu quý.
Cả cô và trò đều chịu tổn thương
Nhìn lại clip diễn biến vụ việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Với tôi, những hình ảnh trên đã tạo ra nhiều mối quan ngại về mặt cảm xúc. Bởi đây là hành vi khó có thể chấp nhận được ở trong trường học. Giáo viên đã cực kỳ cô đơn trong tình huống ấy. Cô thể hiện sự bất lực vì dường như không kiểm soát được việc tấn công dồn dập của học sinh”.
Trên thực tế, trong quá trình trở thành nhà giáo, các thầy, cô đều đã được học bài bản những kiến thức về tâm lý học đường, về đạo đức nghề nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành sư phạm. Khi bình tĩnh, họ có thể phản ứng một cách thuần thục và khéo léo trước những hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, nếu rơi vào những tình huống căng thẳng, hoang mang như bị tấn công thì nhiều người lại xử lý dựa trên bản năng.
Nhìn chung, nhiều em vẫn chưa đủ năng lực cân nhắc và tư duy phản biện khi nhìn nhận các vấn đề ở trường học, dẫn tới một số hành vi mang tính bốc đồng và phản ứng tập thể với cô giáo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, những cử chỉ, phản ứng của cô giáo ngay sau đó cũng thiếu tính chất sư phạm và có thể để lại những hệ lụy về mặt hình ảnh trong tương lai. Nhưng khi rơi vào trạng thái hốt hoảng và bất ổn về tâm lý, các phản xạ này diễn ra tự nhiên và bị chi phối nhiều bởi yếu tố cảm xúc.
Về phía các em học sinh, Thạc sĩ Đoàn Thị Hải Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đánh giá: “Hành vi gây rối, xúc phạm giáo viên của các nhóm học sinh đã vi phạm đạo đức cũng như quy định, điều lệ nhà trường. Điều này có thể khiến giáo viên và học sinh giảm cảm giác an toàn, giảm sự tin tưởng vào tính kỷ cương, sự tôn trọng cần có trong mọi môi trường học tập”.
Xét ở góc độ tâm lý, ở độ tuổi 12-13, các em học sinh đang bước vào giai đoạn vị thành niên nên có thể nhạy cảm hơn trước những các vấn đề liên quan đến tôn trọng hay quyền cá nhân. Nhìn chung, nhiều em vẫn chưa đủ năng lực cân nhắc và tư duy phản biện khi nhìn nhận các vấn đề ở trường học, dẫn tới một số hành vi mang tính bốc đồng và phản ứng tập thể với cô giáo.
“Giáo viên là nghề cần có độ dày về hàm dưỡng và sự hoàn thiện của nhân cách. Trong bất kỳ tình huống nào, họ cũng cần giữ tư duy phản biện để phân tích và đưa ra những hành động đúng mực. Những phản hồi của học trò cũng là bài học để các thầy, cô rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam khẳng định.
Cần xây dựng môi trường học tập an toàn
Trong các cơ sở giáo dục, ngay từ khi nhập học, cả học sinh và phụ huynh đều được thông tin đầy đủ về các quy định theo điều lệ chung của từng cấp, bậc đào tạo, cũng như những nội quy đặc trưng ở từng đơn vị.
"Xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cần đặc biệt đề cao tính kỷ cương và sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Các quy định trong trường học cần được thường xuyên nhắc nhở dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trong các giờ sinh hoạt tập thể; xây dựng các nội dung, hình ảnh liên quan và trưng bày trong không gian truyền thống của trường".
Thạc sĩ Đoàn Thị Hải Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
Chia sẻ quan điểm trong buổi thảo luận liên quan đến vụ việc, Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, trong điều lệ của trường học, có ghi rõ hành vi học sinh không được làm. Chúng ta khéo léo, linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; mong giáo viên tỉ mỉ, có giải pháp, trước hết là làm tốt những quy định hiện có bằng hành động cụ thể.
Riêng với những giáo viên bộ môn, những người ít có thời gian tiếp xúc với học sinh, cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tính cách của các em trong lớp thông qua giáo viên chủ nhiệm. Có thể với mỗi bạn sẽ phải có một cách cư xử riêng. Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ luôn là chìa khóa để thầy, cô gần gũi hơn với học trò, xây dựng hình ảnh đẹp trong công tác giảng dạy.
Thạc sĩ Đoàn Thị Hải Quỳnh chia sẻ: "Để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cần đặc biệt đề cao tính kỷ cương và sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Các quy định trong trường học cần được thường xuyên nhắc nhở dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trong các giờ sinh hoạt tập thể; xây dựng các nội dung, hình ảnh liên quan và trưng bày trong không gian truyền thống của trường".
Những nội dung này cần làm rõ ý nghĩa của việc tuân thủ các quy định ở trường học, đề cao giá trị cốt lõi của tình thầy-trò. Nếu có sự đồng hành, phối hợp thực hiện của phụ huynh, chúng sẽ lan tỏa rộng rãi hơn.
“Nhà trường cần tạo ra môi trường an toàn cho cả giáo viên và học sinh. An toàn ở chỗ kiểm soát tốt việc ra-vào trường học, không để xảy ra những trường hợp tương tự như khóa trái cửa lớp để tấn công cá nhân, sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Việc xây dựng quy trình này trong và ngoài trường vô cùng quan trọng, bảo đảm hoạt động học tập an toàn, diễn ra đúng tiến độ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam thông tin thêm.
Giáo dục gia đình đóng vai trò nền tảng, ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức và lối sống của học sinh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), đằng sau những vụ việc như trên vẫn có trách nhiệm của người lớn, của gia đình và trường học. Việc sử dụng những kỷ luật truyền thống để dạy dỗ như đòn roi có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về bạo lực.
Khi một đứa trẻ gặp vấn đề trong hành vi, gia đình và nhà trường đều cần cùng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, giúp đỡ các em, cho các em cơ hội để khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần triển khai nhiều chương trình để kết nối gia đình, học sinh và giáo viên, giúp 3 đối tượng này thấu hiểu nhau nhiều hơn.
NGỌC KHÁNH