99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1]

11/02/2024 22:20 423

HÀ LÊ

NDO - 99 mẩu chuyện sẽ phần nào cung cấp cho độc giả những điều lý thú, ly kỳ, hấp dẫn về Rồng - con vật huyền thoại liên quan đến những bậc đế vương trong lịch sử Việt Nam.

Kinh Dương Vương và chuyện tình với con gái của Rồng

Theo truyền thuyết Kinh Dương Vương là thủy tổ của dân tộc ta, tục truyền Ngài có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long nữ, con gái vua Long Vương hồ Động Đình có nhan sắc đẹp tươi bèn lấy làm vợ rồi sinh ra một người con trai đặt tên là Sùng Lãm.

Không có nhiều tư liệu ghi chép một cách cụ thể, rõ ràng về mối duyên tình này mà chỉ có đôi dòng ngắn gọn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân”. Việt sử tiêu án còn viết ngắn gọn hơn: “Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân”. Cuốn Lĩnh Nam chích quái, ghi chép những sự kiện kỳ lạ ở phương Nam, trong truyện “Họ Hồng Bàng” cũng chỉ viết rằng: “Tục truyền Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước”.

Theo bản Ngọc phả đền Tiên (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) thì Thần Long Nữ tên là Hồng Đăng, tự là Thanh Minh, húy là Ngàn, hiệu là Từ Phú. Sau này bà được tôn là Thủy Tổ Quốc mẫu, tức là vị Tổ Mẫu đầu tiên của người Việt.

Đánh giá về mối kỳ duyên này, sách Đại Việt sử ký toàn thư bình rằng: “Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng, nối con cháu Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, tỏ rõ đạo vợ chồng, nắn ngay gốc phong hóa, vua thì lấy đức cảm hóa dân, rủ áo khoanh tay. Dân thì cày ruộng ăn, đào giếng uống, sớm làm tối nghỉ, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm Đế ư?”.

Huyền sử cha Rồng mẹ Tiên

Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, ông được coi là Quốc tổ của dân tộc ta. Sùng Lãm là con của Kinh Dương Vương, mẹ là Thần Long Nữ, tương truyền khi sinh ra mình có đầy vẩy rồng. Sau khi lên nối ngôi cha trị nước, Sùng Lãm lấy xưng hiệu là Lạc Long Quân. “Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng, trồng dâu; đặt ra các đẳng quân thần, tôn ti, các đạo cha con, vợ chồng. Có khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui, vô sự…” (Lĩnh Nam chích quái)

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con trai. Một hôm Long Quân bảo Âu Cơ rằng:

- Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên, sống trên mặt đất. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về miền biển chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi, xuống biển hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên! Tất cả vâng theo, sau đó từ biệt mà đi...

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy. Hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có vậy”.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 1

Vua Hùng và giấc mộng Thượng đế sai lưỡng long giáng trần

Bấy giờ nước Văn Lang gặp hạn hán lớn, ruộng đồng cháy khô, mùa màng thất bát khiến vua Hùng Huy Vương rất lo lắng. Một đêm nhà vua nằm mộng thấy được lên Thiên đình chầu Thượng đế, biết nỗi lo của vua, Thượng đế đã sai hai vị thần long giáng trần để giúp nước.

Tỉnh dậy, nhà vua ban chiếu cầu hiền, có hai anh em tên là Ao và Chân người ở trang Nhân Lạc, huyện Tế Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đến dự thi và ứng tuyển. Vua trông thấy họ giống hệt hai người trong giấc mộng mới hỏi xuất thân thì hóa ra họ con của Lạc hầu Hùng Thanh cũng là dòng dõi hoàng thất mới truyền rằng:

- Hai người là long thần giáng sinh giúp nước. Nay ta cho lập đàn, hai vị nên vì trăm họ mà cầu mưa để giúp dân được sống.

Hai ông phụng sự lên đàn cầu đảo, chốc lát mưa xuống như trút, ruộng đồng lúa má xanh tốt trở lại, dân chúng vô cùng sung sướng. Vua Hùng liền phong cho hai người làm Thủy đạo tướng quân, ban cho thực ấp ở trang Nhân Lạc. Ít lâu sau, giặc Ân sang xâm lược nước ta, hai vị theo Thánh Gióng đánh giặc có công rồi về quê mở tiệc vui cùng dân thôn rồi hóa thành hai con rồng lặn xuống sông biến mất. Sự hiển thánh của hai ông được báo về triều đình, vua Hùng truyền dân chúng lập đền thờ và phong họ làm Thượng đẳng phúc thần.

Hùng Huy Vương và ba người cháu từ rồng hóa thân

Hùng Huy Vương là đời vua thứ 6 của triều Hùng, ông có một người em họ là Hùng Tuệ sinh được 3 người con trai tướng mạo khác thường. Truyền rằng hai vợ ông Hùng Tuệ hiếm muộn nên đi cầu tự, họ nằm mơ thấy có đám mây ngũ sắc, trong mây có ba đầu rồng lộ ra rồi uốn lượn quanh phu nhân, sau khi tỉnh dậy bà thấy khác lạ trong người, từ đó có mang rồi sinh ra một bọc có 3 người con trai.

Hùng Tuệ đem chuyện đó tâu lên, vua Hùng Huy Vương cho rằng những người cháu của mình không phải là người thường, sau có thể giúp nước, vì thế đặc biệt yêu quý đích thân đặt tên cho gọi là Thủy Hải Long Vương, Thủy Tế Long Vương và Thủy Tộc Long Vương. Khi họ trưởng thành, vua phong cho làm tướng và giao nhiệm vụ trị thủy; họ còn theo Thánh Gióng phá tan giặc Ân rồi trở về hành cung của mình nghỉ ngơi và “hóa” ở đó. Vua Hùng cho dân xây dựng đền thờ và phong ba vị làm Phụ Quốc Phổ Hóa Long Vương, Phù Quốc Phổ Trạch Long Vương và Hộ Quốc An Dân Long Vương.

Ngôi đền này cầu đảo rất linh ứng, được dân chúng trong vùng Bình Hồ hương khói ngàn năm (Bình Hồ sau đổi là Bằng Hồ, huyện Đông Yên nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 2

Rồng thần nổi sóng đón vợ vua

Làng Phúc Duyên, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có ngôi đình thờ Thành hoàng là Vũ Thị Như Sơn; theo thần tích bà là con vợ chồng ông Vũ Chung dân trang Thưởng Duyên, bộ Lục Hải (nay là làng Thưởng Duyên, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Nổi tiếng là người nết na, xinh đẹp nên khắp nơi đều muốn kết vợ chồng với nàng Như Sơn. Từ kinh đô, vua Hùng Chiêu Vương (vua Hùng thứ 15) cũng biết đến mỹ nhân họ Vũ nên cho người mang lễ vật đón nàng về, phong làm Đệ ngũ cung phi, thường gọi là Thái Nương. Vì không có con nên cung phi Thái Nương thường mang tiền của và tình cảm của mình dành cho người dân nghèo ở quê hương và các làng xóm trong vùng, lại đem lễ nghĩa giáo hóa mọi người.

Một năm, Hùng Chiêu Vương đi thuyền về thăm cung phi rồi đón nàng cùng trở về, đến khúc sông Hoàng Giang thì bỗng nhiên trời đất tối tăm, trên sông xuất hiện một con rồng đen quần đảo làm sóng to gió lớn lật úp thuyền của cung phi Thái Nương làm nàng và một số thị nữ bị chết đuối. Vua Hùng nổi giận viết thư đặt vào mũi tên bắn xuống sông trách mắng Thủy tề. Đêm ấy vua mơ thấy có một vị thần đến nói rằng cung phi vốn là Thủy Tiên công chúa đầu thai làm người trần gian, đến nay đã mãn hạn nên được lệnh đến đón về. Tỉnh dậy vua cho người xây miếu thờ và gia phong cho cung phi làm Hoàng Giang Mỹ Lộc công chúa, cho dân chúng các trang Thưởng Duyên, Phúc Duyên thờ cúng mãi mãi. Các triều đại sau này đều có sắc phong bà làm Thượng đẳng phúc thần.

Hùng Duệ Vương và chuyện rồng giáng xứ Hải Đông

Hùng Duệ Vương là vị vua Hùng đời thứ 18, lúc này cơ đồ triều Hùng đã suy, trong nước thường thiên tai, một số nơi giặc cướp nổi lên làm vua rất lo lắng, buồn phiền. Một đêm nhà vua nằm mơ thấy có hai con rồng vàng từ phía Đông bay về kinh đô Phong Châu, vua cho là điềm lạ liền sai sứ giả đi dò xét thì được biết ở bộ Dương Tuyền (nay là địa bàn tỉnh Hải Dương, Hải Phòng) có gia đình bộ chúa Hùng Huy Tuấn sinh được hai người con trai tên là Anh Công và Dực Công tướng mạo khác thường, cao lớn, lưng có vệt mây ngũ sắc, bụng có vẩy, thông minh trí tuệ, họ đi đến đâu thì gió mây đến đó, dừng lại ở đâu thì nơi ấy không khí mát rượi.

Nhà vua được nghe kể rằng mẹ của hai vị chiêm bao thấy rồng vàng trên trời lao xuống, bà sợ hãi quờ tay nhổ được hai chiếc râu của nó rồi giấy vào trong áo; bỗng nhiên hai chiếc râu hóa thành hai con rồng con bò ngoằn ngoèo quanh mình, bà hét lên một tiếng rồi giật mình tỉnh dậy. Bà đem chuyện kể lại cho rồng, ông Hùng Huy Tuấn đoán rằng họ vốn dòng dõi Lạc Long Quân thuộc về nhánh nước, điềm chiêm bao như vậy là ắt có rồng thần ra đời…

Khi lớn lên, hai anh em được vua phong làm tướng quân đi dẹp loạn, cứu đói và cầu mưa chống hạn. Cuối triều Hùng Duệ Vương, hai ông theo Tản Viên đánh giặc Thục có công rồi hóa trên sông Ý Bích (thuộc khu vực huyện Kim Động, Hưng Yên ngày nay) từ thuyền có hai con rồng bay lên trời biến mất. Nhà vua nghĩ đến công của họ đã cho lập đền thờ, trong lễ tế vua quan đều thấy hai con rồng hiện lên ở đàn, hào quan rực rỡ rất linh ứng liền ban chiếu phong làm Thượng đẳng thần.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 3

Vua Hùng phong 3 vị Long thần làm tướng phá giặc

Truyện rằng đời Hùng Vương ở ấp Hoa Diêm, huyện Thụy Vân (nay là thôn Mai Diêm, xã Thụy An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có một người con gái xinh đẹp tên là Phạm Ngọc Nương đi tắm biển thì có con giao long lớn hiện ra quấn quanh người từ đó có mang, sinh một bọc nở ra ba người con trai. Vì là con của rồng nên người ta gọi họ là Chàng cả Long Vương, Chàng hai Long Vương, Chàng út Long Vương.

Cuối đời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có quân Thục xâm lấn bờ cõi, thế lực rất mạnh. Vua Hùng lo lắng mất ăn mất ngủ. Một hôm mệt quá nhà vua thiếp đi, trong giấc mơ vua thấy một vị thiên sứ cưỡi mây ngũ sắc, tay cầm cờ vàng bay đến nói:

- Nhà vua chớ lo, Ngọc Hoàng đã sai ba hoàng tử Long Vương đầu thai vào nhà họ Phạm ở Hoa Diêm, họ đều là hậu duệ của giống Rồng Tiên, nếu được ba vị ấy giúp, giặc lớn sẽ bị phá tan.

Tỉnh dậy vua cho người vời ba chàng về Bạch Hạc phong làm tướng cùng với Tản Viên sơn thánh đi đánh giặc. Quả nhiên như lời thiên sứ nói, chưa đầy một tuần mà quân Thục bị đánh bại, vua Hùng vui mừng ban thưởng rất hậu cho ba anh em. Giặc đã tan, ba người về quê thăm mẹ rồi bái tạ, sau đó rẽ sóng xuống nước về miền thủy phủ.

Trưng vương và nữ tướng Ả Rồng

Trong cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của giặc Hán do Hai bà Trưng lãnh đạo có sự tham gia của rất nhiều anh hùng nữ kiệt, trong đó có Ả Rồng. Tương truyền khi Ả Rồng đem lực lượng nghĩa binh của mình đến đầu quân, bà Trưng Trắc thấy tên của nàng khá lạ mới hỏi nguyên cớ, Ả Rồng cho biết mình họ Nguyễn, quê ở trang Mỹ Lộc (nay thuộc xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), mẹ nàng nằm mộng thấy rồng đen quấn quanh mình rồi mang thai 12 tháng, sau đó sinh một người con gái đặt tên là Ả Rồng.

Vì có mối hận tên Thái thú Tô Định giết cha nên Ả Rồng cùng chồng là Triệu Công Tằng chiêu mộ dân binh được vài nghìn người, lập căn cứ chống giặc. Nghe tin chị em bà Trưng dấy cờ nghĩa, hai vợ chồng Ả Rồng đem quân tham gia đánh đuổi giặc Hán, giành lại nền độc lập. Sau chiến thắng, bà Trưng Trắc lên ngôi vua đã phong cho Ả Rồng làm Bảo Châu công chúa, Long Nương phu nhân; phong cho Triệu Công Tằng làm Đại tướng quân.

Ba năm sau giặc Hán lại tràn sang, sau nhiều trận kịch chiến, quân ta bị thiệt hại nặng, Hai bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát, chồng của Ả Rồng và một tỳ tướng của bà là Trần Thị Nguyệt đều tử trận. Trong tình thế ấy, Ả Rồng đành đem tàn quân rút về xây căn cứ tại Mỹ Bổng và một số làng quanh vùng như Mỹ Lộc, Tăng Bổng… (nay thuộc hai xã Việt Hùng và Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tiếp tục chống giặc cho đến khi bà tử trận trong một trận đánh. Sau này, trong thời Bắc thuộc, Thái thú Sĩ Nhiếp biết về chuyện của vợ chồng Ả Rồng đã đến đền thờ và khâm phục viết tặng câu: “Nhất gia trung liệt hiển Giao Châu” (Một nhà trung liệt rực rỡ ở Giao Châu).

Sau giấc mộng rồng giáng, sinh người con tuấn kiệt

Con người tuấn kiệt, xuất chúng đó chính là Lý Nam Đế - vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, ông tên thật là Lý Bí xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”, cha là Lý Toản hào trưởng ở đất Thái Bình, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa).

Người tuấn kiệt hẳn phải có huyền tích lý kỳ, theo truyền tụng đất Thụy Anh (nay thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình) thì thân mẫu của Lý Nam Đế sắp đến ngày sinh, vì có việc gấp phải đi, đến chùa ấp Quang Lang gặp mưa giông, trời lại sắp tối, bèn vào chùa xin trú qua đêm. Đến giờ Thìn, xuất hiện ánh hào quang rồi rồng vàng giáng xuống, bà trở dạ sinh con trai, đặt tên là Lý Bí.

Trong bản “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” cũng viết: “Một hôm Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám hào quang ngũ sắc trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà. Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn,… Vào giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Tỵ sinh hạ 1 nam. Thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghiêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, quả là không phải người thường. Khi sinh có mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm đầy phòng, khí lành tràn ngập trong phòng”.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 4

Chiếc mũ cài móng rồng của Triệu Việt Vương

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, hào trưởng huyện Chu Diên. Năm Nhâm Tuất (542) khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, hai cha con ông liền đem quân hưởng ứng và có đóng góp tích cực trong cuộc chiến lật đổ ách đô hộ của giặc Lương. Năm Giáp Tý (544) khi nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Nam Đế (Lý Bí) phong cho Triệu Quang Phục chức Tả tướng quân... Khi giặc Lương lại đem quân sang xâm lược, quân ta thất thế, Lý Nam Đế liền giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục và rút vào vùng động Khuất Lão (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ) rồi sau lâm bệnh mất ở đó.

Được Lý Nam Đế tin tưởng uỷ thác trọng trách chống giặc, Triệu Quang Phục đưa một bộ phận quân lính vào đóng ở đầm Dạ Trạch để cố thủ và đánh tiêu hao sinh lực địch. Năm Mậu Thìn (548), khi nghe tin Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên làm vua xưng là Triệu Việt Vương nhưng nhân dân vẫn quen gọi ông là Dạ Trạch Vương bởi đầm Dạ Trạch (đầm một đêm) nơi ông đóng quân gắn liền với sự tích về mối duyên kỳ ngộ giữa nàng công chúa Tiên Dung, con vua Hùng thứ 18 với chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử. Tại đây, Triệu Việt Vương đã nhận được một “món quà” đặc biệt, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kỷ Tỵ, năm thứ 2 [549],…Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất thần kỳ, thế rồi có điềm lành được mũ đâu mâu móng rồng dùng để đánh giặc. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)”.

Đến năm Đinh Sửu (557) sau khi đánh bại giặc Lương, giành độc lập cho đất nước, Triệu Quang Phục mới rút quân khỏi đầm Dạ Trạch về đóng đô ở Long Biên (Hà Nội ngày nay).

Rồng vàng che đỡ cho vua Đinh

Chính sử ghi chép rằng khi mới xây dựng lực lượng, thế lực còn nhỏ bé, địa bàn còn hẹp, Đinh Bộ Lĩnh có tranh chấp ảnh hưởng với chú ruột là Đinh Dự, bị đánh thua phải chạy qua sông. Cuốn sử cổ nhất là lưu đến ngày nay là Đại Việt sử lược có đoạn viết như sau: “Tại sách (làng) Tế Áo, chú của Vương một mình chiếm giữ, chứ không chịu theo về. Vương thôi thúc quân lính đến đánh, không thắng được. Thua chạy đến vũng Đàm Gia, cầu gãy, Vương bị vây hãm giữa chỗ bùn lầy. Ông chú muốn đâm Vương, thì bỗng thấy hai con rồng vàng che trên mình Vương. Ông chú sợ hãi rút lui rồi đầu hàng”.

Tương tự như vậy, sách Đại Việt sử toàn thư chép: Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương”.

Sách Việt sử tiêu án thì có chi tiết hơi khác như sau: “Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, Vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, Vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên Vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, Vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá”.

Một bộ sử lớn triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Đinh Tiên Hoàng, khi còn bé, chơi đùa với các mục đồng, được chúng tôn làm vua. Tiên Hoàng lấy làm sung sướng, rình lúc mẹ đi vắng, cầm đầu các trẻ chăn trâu, về nhà bắt trộm lợn của mẹ, đem làm thịt để khao chúng. Mẹ về, sợ rằng "con dại cái mang", mới nói chuyện với người chú (của Bộ Lĩnh) là Đinh Dự. Dự nổi giận, vác dao ra đồng lùng tìm cháu.

Bấy giờ Tiên Hoàng và các nhi đồng, hàng nào toán ấy, đang ăn uống. Bọn Điền và Bặc xông ra chống chọi với Dự để cho Tiên Hoàng thừa cơ chạy trốn. Dự đuổi đến bên sông, thấy con rồng vàng vươn mình ngang sông làm như cầu phao để cho Tiên Hoàng vượt qua. Dự đâm sợ; ném bỏ dao, đi về. Tiên Hoàng liền chạy sang Giao Thủy (nay thuộc Nam Định), theo phường chài làm nghề chài lưới”.

Đinh Tiên Hoàng và sự tích sông Hoàng Long

Hoàng Long nghĩa là rồng vàng, đây là tên gọi một con sông rất nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình gắn với một huyền tích liên quan đến Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi.

Truyền rằng lúc còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh (sau là Đinh Tiên Hoàng) chăn trâu cho chú ruột; một hôm cậu chọn con trâu to nhất trong đàn trâu mà người chú sai ông đi chăn thả để mổ thịt “khao quân”. Nơi đám trẻ mang trâu đến một cây cầu để mổ, tiện cho việc lấy nước rửa thịt, nơi ấy sau gọi là cầu Mổ (nay thuộc xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, Ninh Bình).

Trong khi đám trẻ tụ tập làm thịt, nấu nướng, ăn uống thì có người báo cho Đinh Dự biết; ông chú nổi giận cầm gươm chạy đến định bắt cháu để trị tội. Đinh Bộ Lĩnh vội bỏ chạy, còn người chú đuổi riết phía sau. Chạy một quãng đến con đường có nhiều ngã rẽ, nơi đây có một bà già câm ngồi bán nước nên người ta thường gọi là Cấm Khẩu. Thấy bà lão, Đinh Bộ Lĩnh vào hỏi đường, bỗng nhiên bà lão cất tiếng nói: “Chạy về phía Trường Yên, đến bên sông nhờ người lái đò tên Long chở qua”.

Nghe lời bà lão, Đinh Bộ Lĩnh chạy đến bến sông Tiên Giang cất tiếng gọi người lái đò tên Long. Một thuyết khác thì kể, khi chạy đến bến sông, chợt nhớ trong đám bạn có đứa tên là Long, nhà ở bãi sông, bố mẹ làm nghề chở đò ngang, nên Đinh Bộ Lĩnh cố sức gọi:

- Long ơi! Mau giúp tao qua sông với!.

Điều kỳ lạ, tiếng gọi vừa dứt thì bỗng khúc sông nổi sóng lớn, một con rồng vàng hiện lên cúi đầu gật gù như mời chào rồi ghé lưng sát bờ, Đinh Bộ Lĩnh liền bước lên lưng rồng. Bấy giờ mọi người ở quanh đó đều chứng kiến sự việc lạ lùng, cho rằng đứa trẻ có khí vượng đế vương nên đều vội quỳ xuống bái lạy. Khi đó, Đinh Dự cũng vừa chạy tới, thấy vậy vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, lại nghe mọi người bàn tán chuyện “Hoàng long phù thiên tử quá giang” (rồng vàng rước thiên tử qua sông), ông vội cắm thanh gươm xuống đất rồi chạy đến sát mép sông cúi đầu bái lạy cháu.

Từ sự kiện huyền kỳ đó, sông Tiên Giang đã được đổi tên là sông Hoàng Long (Rồng Vàng), sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn cũng chép rằng: “Xưa Đinh Tiên Hoàng, lúc còn bé, bị người chú đuổi đánh, chạy đến bờ sông này, đương muốn lội qua, chợt có hai con rồng vàng ôm đỡ, đến khi thống nhất đất nước, nhân đấy đặt tên sông”. Còn bến sông mà rồng đón Đinh Bộ Lĩnh được gọi là Hoàng Long độ (bến đò Rồng Vàng).

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 5

Hình tượng rồng trong bài kệ về việc Lý Thái Tổ lên ngôi

Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, ông được tôn lên làm vua năm Kỷ Dậu (1009) mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Việt trên nhiều phương diện. Sự kiện này bao phủ với tình tiết huyền ảo, thú vị. Chuyện kể rằng địa thế của làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp quê Lý Công Uẩn (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) là vùng đất đẹp, có khí tượng vương giả nên từ hồi thuộc Đường, tên thái thú Cao Biền đã trấn yểm long mạch. Một vị cao tăng là La Qúy An biết được mới tìm cách khôi phục lại, năm Bính Thân (936) ông cho trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch và dặn đệ tử rằng

- Đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp của ta. Sau khi ta mất, người nên cho đắp đất, dựng nhiều bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết.

Sau đó là sư tụng một bài kệ:

Đại sơn long đầu khởi

Cù vĩ ẩn chu minh

Thập bát tử định thành

Miên thụ hiện long hình

Thố kê thử nguyệt nội

Định kiến nhật xuất thanh

Nghĩa là:

Đầu rồng hiện lên ở núi Đại Sơn

Đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu

Nhà Lý nhất định thành sự nghiệp

Khi mà hình rồng hiện lên ở cây gạo

Vào ngày Mèo tháng Chuột năm Gà

Chắc chắn có vị vua anh minh sẽ xuất hiện.

Đời sau cho đây là bài sấm truyền báo trước sự lên ngôi của Lý Công Uẩn và sự ra đời của nhà Lý vì ở châu Cổ Pháp có dãy núi Nguyệt Hằng với mỏm cao gọi là Đại Sơn. Còn chữ Chu Minh (đọc là Châu Minh) là nói đến cây gạo được trồng ở chùa Minh Châu làm dấu. Thế đất tổng thể nhìn như con rồng lớn với đầu là núi Đại Sơn, còn đuôi ẩn nơi đất thiêng tại chùa Minh Châu. Khi trên cây gạo hiện ra hình rồng thì triều Lý được lập; quả nhiên trước khi Lý Công Uẩn làm vua thì cây gạo mà cao tăng La Quý An trồng năm xưa bị sét đánh tạo thành vết loằng ngoằng trên thân cây như hình rồng hiện. Người làng nhìn Diên Uẩn ra xem kỹ thì thấy đó là những chữ và Thiền sư Vạn Hạnh sau khi xem nội dung bài thơ đã tự đoán được nhiều chuyện lớn trong tương lai đến hàng trăm năm

Lại xét đến câu cuối trong bài kệ của nhà sư La Quý An ở trên so với chính sử ghi chép thì Lý Thái Tổ đăng quang là ngày mồng 2 tháng 11(dân gian xưa quen gọi là tháng Một) năm Kỷ Dậu (21/11/1009). Thời điểm ấy là tháng Chuột năm Gà, riêng về ngày nếu không tính theo hội (chu kỳ 60) mà tính theo giáp (chu kỳ 12) tức Tý – Sửu – Dần – Mão... là Một – Chạp – Giêng – Hai... thì Hai lại ứng với con Thỏ (lịch ta là Mão = Mèo). Như vậy đúng như dự báo của bài kệ, vào vào ngày Mèo tháng Chuột năm Gà đã xuất hiện vị vua anh minh, đó chính là Thái Tổ Lý Công Uẩn.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 6

Lý Thái Tổ và sự tích núi Long Đội

Lý Thái Tổ lên ngôi tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) lấy niên hiệu là Thuận Thiên, sau đó nhận thấy Hoa Lư chật hẹp không tương xứng với xu thế phát triển của đất nước nên nhà vua quyết định dời đô về Đại La.

Năm Canh Tuất (1010) vua cùng triều đình theo đường thủy từ Hoa Lư xuất phát. Khi qua khu vực sông Châu Giang (nay thuộc địa phận tỉnh Hà Nam), gần đó là làng Đọi Tam – một làng có nghề làm trống rất nổi tiếng, dân trong làng nghe tin đã tổ chức một màn chào đón độc đáo khi đoàn thuyền vua quan nhà Lý đi qua. Đó là một đoàn múa rồng với một con rồng lớn cùng cờ quạt phấp phới; đặc biệt có tới hàng trăm chiếc trống lớn nhỏ được đem ra bên sông để đánh tạo thành âm thanh lớn như sấm dậy vang cả đất trời. Trong âm thanh đó, đoàn rước rồng đi từ chân núi lên đỉnh núi cao tạo cảnh tượng như một con rồng khổng lồ đang uốn lượn bay lên.

Trước khung cảnh ấy, vua Lý Thái Tổ rất kinh ngạc, nhà vua truyền đổi tên núi ấy là núi Long Đội (núi Rồng Đội) với ý ban phúc cho dân vùng này có sức mạnh phi thường như con rồng đội núi bay lên ấm no, hạnh phúc. Phía Bắc của núi có một hang động ăn sâu vào lòng núi, nhìn như một cái miệng nên người dân gọi là hang Hàm Rồng. Núi Long Đội vì có hình dáng tròn giống như một cái bát nên còn có tên gọi khác là núi Đọi, hoặc ghép với tích rồng liên quan đến vua Lý mà gọi là Long Đọi. Núi này cùng với sông Châu Giang trở thành biểu tượng của tỉnh Hà Nam: “Sông Châu, núi Đọi”

Khẩu khí khác thường qua câu đối rồng lúc nhỏ của Lý Thái Tông

Lý Thái Tông tên húy là Lý Phật Mã (1000-1054), ông là con trưởng của Lý Thái Tổ, kế nghiệp ngai vàng trở thành Hoàng đế thứ 2 của nhà Lý; ngay khi ra đời đã có tướng lạ, sau gáy mọc bảy nốt ruồi nhìn như chòm sao Thất tinh (Bắc Đẩu). Lúc còn nhỏ cùng con em hoàng tộc ở trong cung chơi đùa, ông có thể sai bảo được chúng, bắt cả đám trẻ đi dàn hàng trước sau và hai bên để rước mình giống như nghi thức các quan theo hầu vua. Một lần người cha nhìn thấy, nhân đó mới nói đùa rằng:

- Con nhà tướng nên bắt chước việc quân, cần gì phải kẻ rước người hầu?

Phật Mã trả lời ngay rằng:

- Thưa phụ thân, kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vua không ở mãi họ Đinh mà lại sang họ Lê, đều do mệnh trời thôi.

Lý Công Uẩn liền ra một vế đối thử tài con:

Tý là chuột, canh hay gác, chuột gác nhà chuột

Phật Mã đối lại với khẩu khí khác thường:

Thìn tức rồng, mậu nghĩa rợp, rồng rợp thêm rồng.

Lý Công Uẩn lấy làm kinh ngạc, từ đấy càng yêu quý hơn. Sau khi lên ngôi một thời gian, đến tháng 4 năm Nhâm Tý (1012) Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) xuống chiếu sắc phong Lý Phật Mã làm Khai Thiên Vương, lại sai dựng cung Long Đức ở ngoài hoàng thành cho thái tử ở, với ý muốn gần gũi để biết được cuộc sống dân gian, sau này làm vua mới hiểu dân, thương dân.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 1] ảnh 7

Lý Thái Tông chạm vào rồng trên đường đi đánh trận

Chính sử chép rằng tháng 12 năm Canh Thân (1020) thái tử Lý Phật Mã được vua cha cho làm Nguyên soái cùng với tướng Đào Thạc Phụ dẫn quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính (nay thuộc miền bắc tỉnh Quảng Bình) đến núi Long Tỵ, chém được “tướng Chiêm là Bố Linh tại trận, người Chiêm chết đến quá nửa”.

Trại, tương truyền khi đại quân dùng thuyền vượt biển, đến chân núi Long Tỵ (nay thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bỗng có một con rồng vàng lớn hiện ra ngay ở thuyền ngự của thái tử, chỉ có một mình ông chạm được vào rồng. Đến lúc giáp trận, như được phù giúp nên quân triều Lý khí thế hùng dũng đánh tan quân Chiêm, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, chỉ một mình vua đỡ lấy con rồng. Đến nơi, đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về”.

Lý Thái Tông và câu chuyện rồng hiện trên mắc áo

Lại có một chuyện lạ nữa về rồng liên quan đến Lý Thái Tông, chuyện kể rằng khi đó ông vẫn là Hoàng Thái tử. Ngày mồng 1 tháng 3 năm Đinh Mão (1027), Thái tử quán đến đạo quán Nam Đế chơi, nhân đó cùng đạo sĩ Trần Tuệ Long đàm luận việc đời, việc đạo rất tâm đắc.

Mến người đức độ có phong thái thần tiên, Thái tử bèn lấy áo ngự ban thưởng cho vị đạo sĩ. Đêm ấy có ánh sáng khắp trong quán, đạo sĩ Trần Tuệ Long kinh ngạc thức dậy xem thì thấy rồng vàng hiện ở cái mắc, nơi có chiếc áo ngự ông treo ở đó. Mọi người đồn rằng các việc ấy đều là mệnh trời báo hiệu Thái tử rất xứng đáng được kế vị, lên ngôi hoàng đế. Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đoạn viết: “Năm thứ 19 [1027], mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế. Đêm ấy có ánh sáng khắp trong quán. Tuệ Long kinh ngạc dậy xem thì thấy rồng vàng hiện ở mắc áo. Các việc ấy đều là mệnh trời, đến đây đều thấy phù hợp cả”.

Lý Thái Tông cho dựng cung điện tại nơi rồng hiện

Câu chuyện này xảy ra vào tháng 6 năm Kỷ Tị (1029) được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Tháng 6, rồng hiện lên ở nền điện Càn Nguyên. Vua nói với tả hữu rằng:

- Trẫm phá điện ấy, sang phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?

Bèn sai Hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì (thềm rồng). Phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quang Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang để tụ họp các quan và sáu quân túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi trông coi tính toán giờ khắc, phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành”.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết tương tự như sau: “Bấy giờ điện Càn Nguyên đã bỏ, bỗng có con rồng hiện ở nền điện; nhà vua bảo những người ở xung quanh rằng:

- Nền điện đã bỏ mà nay có rồng hiện, ý chừng đất ấy là nơi quý địa dựng lên cơ nghiệp đế vương chăng?.

Rồi sai ở chỗ đó dựng điện Thiên An, hai bên tả hữu làm điện Tuyên Đức và điện Diên Phúc. Sân đằng trước gọi là sân rồng; phía đông và phía tây sân rồng làm điện Văn Minh và điện Quảng Vũ; hai bên tả hữu sân rồng dựng gác chuông; bốn xung quanh sân rồng đều làm hành lang và giải vũ…”.

[Còn tiếp...]

HỢP TÁC XÃ SINH DƯỢC

Nguồn tin bài:
Quảng cáo 2